Một sáng tại văn phòng C.P. Hải Dương đầy cây xanh, cuộc trò chuyện giữa tiết trời chớm thu tràn ngập tiếng cười. Họ, những con người lạ xa, gắn bó đời mình với công việc tại Phòng thu mua nguyên liệu miền Bắc, một tập thể luôn luôn thấu hiểu lẫn nhau, thương nhau như một gia đình. Họ kết nối như một vòng tròn, cùng nhau chia sẻ và lan tỏa những việc làm tốt đẹp cho nhau, vì nhau, vì một tập thể luôn rộn ràng tiếng cười, đong đầy yêu thương.

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Anh Tuấn rất hay cười và thường cười thành tiếng. Những tiếng cười ấy không giòn giã, hào sảng mà ấm áp, chân thành, để tạo thiện cảm với người đối diện. “Thời gian qua đi, tất cả tiền bạc, danh vọng đều chỉ là phù du. Chỉ có niềm vui và tình người ở lại” – anh Tuấn tâm đắc.
Cuộc đời của người đàn ông này, với nhiều bôn ba thăng trầm từ thuở thiếu thời, để đến ngày hôm nay, nụ cười luôn hiện hữu nơi vành môi. Là anh chọn nụ cười để thêm tin yêu vào cuộc sống, để quên đi xưa xa buồn tủi mà mình đã trải qua.
Bố mất khi anh vừa lên hai, mẹ anh sớm hôm vật lộn với nghề khai thác vật liệu xây dựng, gánh gồng nuôi hai con ăn học. Làm công việc đòi hỏi sức lực đàn ông, mẹ anh đau ốm liên miên nên trong lòng luôn canh cánh, nếu bà chết đi hai con sẽ thế nào? Lo sợ chất chồng theo ngày tháng, khiến bà ngày một gầy mòn.
Thế nhưng, thằng nhỏ vô tư là anh làm sao hiểu được điều đó. Tuổi nhỏ ham chơi, lười việc nhà. Mỗi lần anh chạy theo trái bóng cùng các bạn thì vui đến quên trời đất, áo quần bê bết bùn đất mới nhớ đến lợn gà bị bỏ đói kêu ầm ĩ ở nhà. Rất nhiều lần, mẹ anh phiền lòng, thắp nhang kể lể với hương linh bố anh như một cách giải tỏa nhọc nhằn, “ông ơi, ông về mà xem bọn nó hư! Chắc tôi đi theo ông quá!”. Giọt nước mắt tủi thân của người mẹ lẻ bóng ám ảnh tuổi thơ con. Mẹ vẫn thường nói xa xôi: “Nếu lỡ mẹ mất, hai chị em phải biết tự lập đấy”, cậu con trai nghịch ngợm sợ điều mẹ nói thành sự thật, quyết không rong chơi cùng chúng bạn nữa, nhưng rồi cũng chỉ được vài hôm. Khi trái bóng lăn trước nhà cùng tiếng í ới của lũ bạn, mọi thứ đâu lại vào đấy!
Đến một ngày, thằng bé lém lỉnh ấy tự hỏi, tại sao mình không sống vui hơn? Vui cũng chừng đó mà buồn cũng chừng đó, thế giới xung quanh không thể thay đổi nhưng bản thân mình thì hoàn toàn có thể chủ động. Năm đó, anh Tuấn 15 tuổi, việc nhà không còn phải đợi mẹ nhắc. Mẹ anh cũng ngạc nhiên. Thằng con trai năm nào đã biết nghĩ, mà lạ là chẳng thấy có chuyện gì khiến nó buồn được bao giờ.
Anh bắt đầu bước những bước chập chững trên con đường trưởng thành với niềm tin vẹn nguyên vào chân lý, môi mình nở nụ cười, đời tự khắc sẽ đẹp.
Hoạt động căn nhà hợp lực
Nhắc đến tập thể phòng thu mua nguyên liệu thì không thể không nhắc đến hoạt động Căn nhà hợp lực – thành quả ngọt ngào nhất của cả đội. Từ lúc khởi xướng đến nay, đã có hai căn nhà được xây, hai gia đình vơi bớt nỗi lo khi nắng lên, khi mưa xuống, khi những cơn gió ùa qua bất chợt.
Anh Tuấn khẳng định: “Bất kể ở đâu cũng vậy, giao lưu tập thể rất quan trọng. Không chỉ là giúp đỡ nhau mà còn là san sẻ với nhau những nỗi lo, khúc mắc thường nhật. Mỗi người sống trong đời, ai cũng có ít nhiều nỗi bận tâm, không về tài chính, cũng là công việc, bạn bè, hay tình yêu, con cái, chuyện vợ chồng. Do vậy, đâu chỉ người khó mới cần sự giúp đỡ, ngay cả người không khó cũng cần được sẻ chia”.
Vậy nên, hễ có thời gian, anh nhất định ăn một bữa cơm với các anh em trong bộ phận. Anh cũng thường chủ động chia sẻ mối quan tâm của anh trong việc giáo dục con cái với đồng nghiệp. Anh chia sẻ không phải để tìm kiếm giải pháp mà là để khoảng cách giữa những con người xa lạ thu hẹp lại, tạo thành một vòng tròn kết nối, hỏi thăm nhau.
Anh khuyến khích hoạt động Căn nhà hợp lực không phải để tạo nên một phong trào rầm rộ, bởi phong trào chỉ có tính thời điểm. Điều anh Tuấn muốn gầy dựng là tinh thần làm việc vui vẻ, thoải mái, gắn kết được các cá nhân vào một tập thể biết sống, biết quan tâm đến người khác, rồi từ tập thể đó hòa vào dòng chảy lớn mạnh của C.P. Việt Nam.
Anh vui tính, lúc nào cũng nhìn mọi việc nhẹ nhàng, biết cảm thông với hoàn cảnh nhân viên, lắng nghe ý kiến và khuyến khích nhân viên phát huy sức sáng tạo trong công việc. Trong suy nghĩ của anh, chưa bao giờ có từ “áp đặt”, buộc người khác phải răm rắp làm theo ý mình dù anh quản trị công việc rất giỏi. Vậy mà mỗi lần nghe nhân viên dành tặng những lời tốt đẹp, anh Tuấn đều ngần ngại: “Anh vẫn chưa sâu sát đến các bạn nhân viên lắm đâu. Nên nhiều lúc các bạn cũng cảm thấy bị bỏ rơi đấy!”. Nghe anh nói thế, chị Hoàng Nữ Hiệp – trưởng bộ phận thu mua – mỉm cười khẳng định: “Anh Tuấn là người sếp tuyệt vời nhất từ trước đến giờ”.
Từ ngày về C.P Việt Nam làm việc, cuộc sống của chị Hiệp cũng thay đổi hoàn toàn. Chị sống có trách nhiệm hơn, biết nghĩ đến người khác nhiều hơn, biết cân nhắc thiệt hơn mà người vô tư như chị trước đây chưa từng nghĩ đến. Cũng từ lúc về làm việc tại C.P. Việt Nam, chị mới bắt đầu tham gia hoạt động thiện nguyện. Chị nói, ban đầu làm vì đó là phong trào của công ty, rồi dần thấy vui khi có thể mang niềm vui đến cho người khác, tự dưng thích, vậy là chị gắn bó. Hoạt động cộng đồng nào của công ty cũng có chị. Đôi khi chỉ là cả bộ phận hẹn nhau đến nhà thăm một người bạn, cùng ăn với nhau một bữa, nói những chuyện tầm phào. Cũng có lúc, cả bộ phận cùng nhau mang thực phẩm đến trung tâm bảo trợ xã hội nấu một bữa cơm tươm tất cho người già, trẻ nhỏ. Nhìn họ ăn ngon lành, thấy nụ cười tươi tắn trên gương mặt họ, đủ để chị thấy lòng nhẹ nhõm, yên bình.
Của cho không bằng cách cho, ngay cả những điều tốt lành đầy tử tế này, cũng được cân nhắc và thực thi một cách khéo léo, tế nhị, đủ để thấy, Căn nhà hợp lực là một mô hình hoạt động đẩy công tâm từ cấp lãnh đạo đến nhân viên tham gia. Cùng nhau, họ khơi mạch ngầm mát lành trên sa mạc đầy cát nóng và gai nhọn của những- cây-xương-rồng-số-phận.
HOÀNG LINH LAN – C.P. Vietnam Corporation
Trả lời