Bàn chân đi đến nơi tận cùng Tổ Quốc

” Đó là một người chịu khó, không ngại ăn bờ ngủ bụi, chỗ nào cũng có thể đặt chân đến. Khang có rất nhiều ý tưởng hay và thiết thực cho các chương trình thiện nguyện của C.P” – Anh Trương Quang Đạo nói về người bạn gắn bó với anh như hình với bóng trong suốt những chuyến đi như vậy.
Suốt năm tháng ấy anh Nguyễn Quốc Khang luôn cống hiến hết mình bằng trái tim huyết và tinh thần của thanh niên tình nguyện. Anh luôn sống với lý tưởng “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Lý tưởng này theo anh trong suốt khoảng thời gian anh được tin tưởng đặt vào Vị trí Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên của C.P Việt Nam. Sáu mươi ba tỉnh thành của đất nước, nơi nào cũng có dấu chân anh. Những nơi càng xa xôi, những làng xã nghèo, anh càng phải đến. Đến để xem đồng bào nơi đó sống ra sao, để xem họ cần hỗ trợ điều gì.
Không hiếm những lần vừa đặt chân đến Sài Gòn được tin nhắn của bạn bè về một vùng đặc biệt nào đó cần trợ giúp, anh lại xách balo lên và đi. Anh đi từ Nam ra Bắc, từ Lai châu, Lạng Sơn, Hòa Bình, cho đến Bình Định, Đồng Nai,… gặp gỡ vô số phận người có hoàn cảnh éo le. Hình ảnh những đứa trẻ lạ lẫm nhìn những hộp sữa, phong kẹo; người già không đủ áo ấm; những hoàn cảnh thương tâm do bệnh tật bất ngờ ập xuống hay mắc bệnh bẩm sinh, do thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, thiếu nước sạch, thiếu điện; cảnh những người phụ nữ theo tục lệ của làng bản kiên quyết không xuống trạm y tế sinh con mặc cái chết rình rập,… luôn theo anh vào tận giấc ngủ. Mỗi lần nhớ lại những cảnh ấy, anh thấy cổ họng mình nghẹn đắng, nghe trái tim mình đập mạnh xót thương.
Anh nhớ cách đây bốn năm, đoàn thiện nguyện C.P Việt Nam cùng công an tỉnh Đồng Nai tổ chức chuyến khám bệnh, phát thuốc, cắt tóc và tặng quà cho các cháu ở Mộc Qụán thuộc xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. Anh và đoàn thiện nguyện có những trải nghiệm sâu sắc. Chuyến đi thiện nguyện lần này, ngoài nhu yếu phẩm còn có thêm những chiếc bánh trung thu nhỏ xinh. Bánh trung thu là thứ xa xỉ đối với người dân nơi này.
Chú bảo vệ người Chơ-ro và các em nhỏ lần đầu tiên được cầm tận tay và nếm thử chiếc bánh trung thu. Thật tuyệt vời khi món bánh này được trở về đúng ý nghĩa của nó – đem đến niềm vui cho mọi người. Những điều tưởng chừng như nhỏ nhoi với chúng ta nhưng lại có ý nghĩa to lớn với người khác. Món bánh trung thu chính là một trong số đó.
Lần khác, đoàn thiện nguyện C.P đến thăm và khám chữa bệnh cho bà con dân tộc Mường ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Bà con ân cần nắm tay các anh các chị, gọi là các bác sĩ áo hồng. Đấy là lần đầu tiên mọi người trong đoàn được gọi là bác sĩ. Bác sĩ có thể hiểu đơn giản là người chăm sóc, chữa lành tinh thần cho bà con. Được nghe mọi người gọi như vậy, ai cũng thấy có phần tự hào, dù đương nhiên, họ chẳng có bằng cấp y dược gì. Nhưng tất cả đều cố gắng làm tốt vai trò của mình, nỗ lực mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Có lần anh Khang đến với đồng bào người Thái trắng, người Nùng, người H’Mong,… ở xã Tà Học, huyện Mai Sơn, tỉnh sơn La. Nghe sáng hôm sau có đoàn từ thiện đến phát quà, khám bệnh, các chị em trong bản bàn nhau ăn cơm tối sớm. Họ 11-12 giờ đêm thì ới nhau thành đoàn, đi bộ từ núi xuống. Tiếng cười nói vang cả lưng đổi, vui như trẩy hội để kịp 6-7 giờ đến điểm xã. Thấy bà con đi xa, anh Khang ước, giá như bà con có đường sá thuận lợi để có thể không mất công đi lại thì tốt biết bao!
Mỗi chuyến đi của anh Khang là một hành trình trải nghiệm lưu lại trong anh những kỷ niệm sâu sắc và niềm cảm thông dành cho những mảnh đời khó khăn. Chúng để lại trong anh nhiều cảm xúc phức tạp và kỷ niệm khó phai, có lẽ với anh, chặng đường để lại nhiều ấn tượng nhất là lúc anh cùng đội tình nguyện leo lên “cổng trời” O2.
Làng O2 được gọi là “cổng trời” vì nó nằm chót vót trên đỉnh Konhlon thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Muốn tới được đỉnh, cả đoàn phải đi bộ qua ba ngọn núi, cắt rừng vượt suối, bám rễ cây leo dốc đứng, băng cầu mây,… Lần đầu anh Khang băng qua một cánh đồi thì bị tụt huyết áp, xây xẩm mặt mày, nên phải ngồi xuống đất nghỉ chân. Không thể chịu nổi, anh đành quay về.
Khi người ta còn trẻ thì đôi chân có mỏi nhưng tinh thần, vẫn hăng hái. Tinh thần cống hiến tiếp sức cho những điều không thể
Sau lần đó, anh Khang quyết tâm vượt lên giới hạn sức khỏe để tìm gặp và giúp đỡ những con người ở nơi xa xôi của Tổ quốc. Cuối cùng anh cũng đến được nơi anh cần đến. Bà con sống ở đây đa số là đồng bào dân tộc Ba-na. Làng thiếu cả điện lẫn nước, thậm chí đến đường đi cũng chẳng có. Người dân sống trong cảnh thiếu thốn. Hoàn cảnh rất khó khăn. Mỗi lần muốn uống nước, phải ra suối gánh nước về nhà. Trẻ con muốn tắm, nhiều khi phải ra sông. Sức khỏe của trẻ em khá tốt vì quen chịu khổ, lạnh. Tuy nhiên, lũ lụt là vấn đề lớn đối với đồng bào nơi đây.
O2 mỗi mùa lũ về nước lên, suối sẽ chia cắt mỗi nhà. Người dân chẳng thể đi đâu hay làm gì được cả. Anh Khang có lần chứng kiến điều này, thấy rất thương cảm. Anh tìm cách hỗ trợ lắp đặt điện năng lượng mặt trời cho bà con. Anh mang đến nhu yếu phẩm cho bà con, tặng sữa, bánh, gạo, nước cho đồng bào. Anh còn làm sân chơi cho trẻ em. Đám trẻ lần đầu được chơi những đồ chơi mới lạ thì rất thích thú và hào hứng. Nhìn những đứa trẻ lần đầu tiên trong đời nhún nhảy trên thú nhún, hay thấy người dân mừng vui đón nhận những hộp sữa từ miền xuôi, anh Khang cũng vui lây.
Tâm phải vững, đôi chân sẽ bước dù đi qua biết bao gian khó

Anh Khang chia sẻ, càng nhìn thấy nhiều mảnh đời khó khăn, càng thôi thúc anh hoạt động nhiều hơn. Cái gì làm được phải gắng sức làm.
Khi bắt tay vào làm mới biết đâu là gian nan. Nhưng lửa thử vàng gian nan thử sức, qua những khó khổ ấy mới tôi luyện nên ý chí con người.
Có những chặng đường anh Khang cùng đội tình nguyện đi qua phải leo lên những dốc trơn trượt cực kỳ nguy hiểm. Nhiều người nản chí, muốn bỏ cuộc. Mọi người phải động viên lẫn nhau để cố gắng đến đích. Lúc này, anh Khang mới hiểu ra một điều, leo một ngọn đổi rất dễ, nhưng leo lên những đỉnh núi cao rất cao thì cần có những người đồng hành. Thiếu họ, anh sẽ rất khó để đến đích.
Cả đoàn rất vất vả. Đồ đạc vật dụng hạn chế tối đa mang theo để chở lương thực. Đến cái bàn chải đánh răng, anh phải bỏ đi tay cầm, để lại mỗi cái đầu chải cho nhẹ ba-lô. Ngay cả việc đem theo nước uống cũng là một thử thách. Mọi người thay nhau đeo những ba-lô đựng nước uống rất nặng. Mà phải uống rất tiết kiệm kẻo đến nơi sẽ không còn nước uống.
Thực phẩm mang theo người chủ yếu là đồ khô. Có lần, anh mang mì gói, đồ ăn khô nhờ đồng bào xách hộ thì họ mang luôn về nhà vì nhầm tưởng đó là quà được cho. Lúc đấy, mọi người trong đoàn đành nhìn nhau cười trừ, vì đòi lại đồ ăn thì ngại quá. Vậy là, anh em cố gắng mỗi người ăn ít đi một chút. Đây là một trong số những trải nghiệm mà sau này nhắc lại, mọi người trong đoàn đều bật cười vui vẻ.
Ngoài phải đối mặt với những con vắt rừng, lo cầu mây rớt suối, nỗi sợ trượt chân lăn giữa đồi, thì còn có những đêm cả đoàn thao thức trở mình vì cái lạnh giữa núi rừng, có khi anh cùng đội tình nguyện phải lấy áo mưa mỏng quấn quanh người để chống chọi với cái lạnh của sương rừng, có những đêm khó ngủ, mọi người trong đoàn gọi nhau dậy hát cả đêm cho ấm người. Lúc ấy mới thấy việc được ở nhà, nằm trong chăn ấm nệm êm thật là rất sướng.
Đoạn đường đi gập ghềnh thật, nhưng nếu giữ vững tinh thần thì sẽ không ngại khó chùn chân. Leo lên núi cao, đi vào bản sâu dù là nơi đâu anh cũng quyết tâm đi đến tận cùng. Lần đầu thất bại, anh sẽ quay về chuẩn bị sức lực cho lần thứ hai. Anh Khang chia sẻ: “Quan trọng mình phải tính toán, sắp xếp lịch trình, thời gian và đặt an toàn lên hàng đầu.”
Trên núi cao, suốt hành trình sẽ luôn thấy tim mình ấm áp bởi có sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Mỗi chặng hành trình của anh Khang luôn có những người đồng hành giúp đỡ. có những tình cảm ấm áp chân thành, có sự biết ơn sâu sắc của bà con khi được anh giúp đỡ. Cũng có sự quan tâm chăm sóc của những người bạn đồng hành. Anh thấy mình thật may mắn vì được đi và gặp gỡ những người đang sát cánh bên mình.
Anh Khang nhớ lần sinh nhật đáng nhớ nhất là lần anh được mọi người đứng vây thành vòng quanh hát vang bài hát chúc mừng. Tiếng hát, tiếng cười khi ngày mới vừa sang vang vọng khắp núi rừng. Đấy là ngày sinh nhật đặc biệt nhất trong đời anh.
Nếu không có những đoạn đường đi khúc khuỷu này, có lẽ đời anh cũng chẳng thể nào có được buổi sinh nhật ấm áp đến thế.
Sự ấm áp hóa ra giản dị đến lạ lùng!

Đối với anh Khang, làm công tác tình nguyện, trái tim nóng thôi chưa đủ, còn cần một cái đầu tỉnh táo để giữ mục tiêu. Anh luôn chú trọng đi đúng hướng với tinh thần của công ty, đồng thời bám sát chương trình hành động của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, để giúp được nhiều người nhất, sử dụng hiệu quả nguồn lực đang có. cùng với đó, chương trình phải phát huy được sức mạnh của tập thể, không chỉ là đội ngũ cán bộ công nhân viên của C.P Việt Nam mà còn của khách hàng, đối tác, sinh viên,… Chính vì thế, lãnh đạo của C.P đã giao nhiệm vụ, một khi đã lên đường, chức vụ, địa vị xã hội đều để ở nhà. Sếp cũng như nhân viên, bình đẳng trong ứng xử, sinh hoạt. Chỉ có những trái tim chung nhiệt huyết cùng đập một nhịp và tuân thủ theo người dẫn đầu.
Là người dẫn đầu và giữ vai trò định hướng cho các hoạt động của C.P Việt Nam, anh Khang hiểu rõ hơn ai hết nguyên tắc này. Chính vì thế, trong mắt các tình nguyện viên, anh gần gũi nhưng cũng hết sức nghiêm khắc. Những ai mang suy nghĩ tình nguyện vì vui, để được khoe mẽ với bạn mà lơ là sự an toàn của bản thân, thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức, bỏ qua kỷ luật tập thể, thức khuya dậy muộn hoặc không đủ sức khỏe, anh Khang đều thẳng thắn từ chối. Bởi mục tiêu thiện nguyện của C.P là tập cho nhân viên thói quen chia sẻ với đồng nghiệp, xây dựng tinh thần cộng đồng, chứ không phải để quảng bá hình ảnh của bản thân.
Nhờ sự kiên quyết và đường hướng đúng đắn này, các chương trình thiện nguyện của C.P Việt Nam từ năm 2009 đến nay dần đi vào khuôn khổ và không ngừng lớn mạnh, tạo sức ảnh hưởng rộng khắp. Hàng ngàn nhân viên ở độ tuổi thanh niên trên khắp các tỉnh thành của C.P Việt Nam được phát huy sức trẻ. Đây cũng là cơ hội để họ thiết lập nền tảng vững chắc trên con đường đời. Anh Khang đặc biệt chú trọng việc tận dụng các nguồn lực tại địa phương, thanh niên bộ đội biên phòng,… nhằm tăng tính gắn kết, tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai chương trình cũng như giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Mong ước lớn nhất của anh là xây dựng đội ngũ thanh niên C.P Việt Nam vững mạnh, có nhiều đột phá và tạo được tiếng vang lớn hơn: Làm sao để hình ảnh người thanh niên C.P Việt Nam đi vào trái tim mọi người, nơi nào có dấu chân thanh niên C.P Việt Nam qua, nơi đó tình người được sẻ chia, gắn kết.
Hiện tại, anh Khang đang ấp ủ rất nhiều ý tưởng mới, từ việc phối hợp cùng Khởi làm tốt dự án ngân hàng thực phẩm (Foodbank Việt Nam), đến chương trình khởi nghiệp cho sinh viên,… những ý tưởng này đều được anh lên kế hoạch rất kỹ lưỡng. Hy vọng rằng, những kế hoạch này có thể nhen lên ngọn lửa cống hiến trong lớp trẻ, để lan tỏa ra cộng đồng năng lượng tinh thuần, đóng góp cho sự phát triển của nước nhà.
Đi đâu xa cũng sẽ về nhà

Có những chuyến đi tình nguyện của anh Khang kéo dài cả tháng trời. Dịp Tết năm vừa rồi, sau đợt tình nguyện ở vùng cao, anh trở về nhà là ngày 29- 30 Tết. Lo xong cái Tết no đủ, tràn ngập ánh sáng cho người vùng cao vùng xa, những cái Tết đầm ấm của gia đình anh liệu có trọn vẹn? có lẽ câu hỏi đặt ra nhiều nhất cho những người làm công tác tình nguyện từ thiện như anh Khang chính là, “Gia đình có phản đối gì không?”. Bởi nếu thiếu đi sự ủng hộ của gia đình, họ thật khó lòng chu toàn được công việc xã hội. Nhưng anh may mắn có được sự ủng hộ từ phía gia đình.
Vốn dĩ anh là người rất giỏi sắp xếp, biết tính toán, cân đối giữa việc nhà, việc công ty và công tác xã hội. Tất cả mọi việc anh làm đều có kế hoạch kỹ lưỡng, cân nhắc thiệt hơn, rủi ro thành bại. Dù bận bịu công tác xã hội, anh vẫn lo việc nhà chu toàn. Từ việc dạy dỗ con cái học hành, cáng đáng kinh tế gia đình, làm chỗ dựa vững chắc cho vợ, đến cả việc duy trì tình nghĩa xóm giềng, anh Khang đều làm rất tốt. Có lần, con ốm phải nằm viện mất hai tuần anh cố gắng thu xếp công việc ở công ty để chăm con. Anh nói: “Những lúc con ốm bệnh, điều nó cần nhất không phải quà bánh, mà là vòng tay yêu thương của ba má.” Sau khi con ra viện, anh mới bắt đầu trở lại công việc của mình.
Bà con hàng xóm ai cũng thương quý anh Khang, bởi anh sống chân thành, hay giúp đỡ mọi người. Do đó, có những lúc anh xa nhà, mọi người cũng hỏi han giúp đỡ gia đình. Anh tâm niệm: “Điều quan trọng, mình sống làm sao cho khi có chuyện gì đó thì có người giúp mình. Để được như vậy, trước hết mình phải giúp người đã.”
Cho đi trước khi muốn nhận lại, Chính là như thế
Bởi vì là một trụ cột vững chắc như vậy nên gia đình luôn tin tưởng ủng hộ anh trong mọi việc. Nói đến cùng, anh Khang dù có đi nơi đâu xa cũng sẽ về nhà. Nhờ có gia đình là nơi ấm áp giàu tình thương, nên bước chân anh Khang càng đi xa hơn. Để từ đó, những nơi anh Khang đã đi qua, không chỉ để lại dấu chân anh, mà còn để lại những tiếng cười – niềm hạnh phúc, và ánh sáng, hi vọng trong cuộc đời này.

Nguồn: C.P.Việt Nam
Trả lời