Người C.P

“Khun” Jirawit: Hạt thương nảy mầm

Ngày đăng: 12/06/2020

Ông có thể la ào ào khi nhân viên sai phạm, nhưng cũng sẵn sàng lắng nghe những sáng tạo, cải tiến nhằm đem lại hiệu quả từ nhân viên. Thời gian một ngày đối với “Khun” Jirawit rất quý giá (Khun là từ thường được dùng để gọi tên một ai đó khi đang giao tiếp với nhau của người Thái Lan). Nhưng chỉ cần nhân viên tìm đến mình, ông vẫn trong tâm thế chia sẻ chẳng quản ngại thời gian. Ẩn sâu bên trong con người tưởng chừng đầy uy nghi ấy, lại là một tấm lòng vô cùng bác ái.

Ông Jirawit trao tặng quà cho em bé đang điều trị bệnh tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương tháng 1.2020

Việt Nam là quê hương

Nếu Thái Lan là đất mẹ, thì có thể nói, với ông Jirawit, Việt Nam là quê hương. Hai mươi lăm năm, nửa cuộc đời gắn liền với đất nước này, hạt mầm yêu thương trong ông đã đâm chồi nảy lộc xanh um tươi tốt và vươn tán phủ rộng khắp dải đất hình chữ S hiền hòa.

Đến hôm nay, ngồi trước mặt tôi, ánh nhìn cương nghị, giọng nói thâm trầm, ông vẫn luôn chất chứa tình yêu thương và biết bao nỗi lòng dành cho người Việt, cho đất Việt, và cho cả tương lai Việt.

Vậy nên, ở Công ty C.P. Việt Nam, mọi người đều gọi ông là “Khun” Jirawit đầy trìu mến và thương yêu.

Những ngày đầu phát triển ngành chăn nuôi của Tập đoàn C.P. tại Việt Nam, chính “Khun” Jirawit là người lặn lội đến các làng quê thôn xóm để truyền dạy kỹ thuật tiên tiến cho người nông dân. Hồi đó, kỹ thuật chăn nuôi của bà con mình còn sơ khai, thiếu hiểu biết nhiều, chỉ chăn nuôi theo kiểu cũ, đời xưa truyền lại đời nay. Vậy nên, việc hướng dẫn bà con tiếp cận những phương thức công nghiệp hiện đại là cả một sự kỳ công thuyết phục và chứng minh hiệu quả. Dấu chân “Khun” Jirawit in hằn khắp các tỉnh Miền Đông và Tây Nam Bộ.

Ông đến, tỉ mỉ hướng dẫn, đồng hành cùng người chăn nuôi, chia sẻ những gian lao vất vả cùng họ. Niềm tin là một thứ không thể mua được bằng tiền, mà chính lòng chân thành của ông đã khiến những người chăn nuôi hoàn toàn tin tưởng. Cho đến bây giờ, những hộ chăn nuôi xưa cũ ấy, vẫn luôn nhắc đến “Khun” Jirawit bằng một tình cảm trân quý như thể ông là người thầy khai sáng một nền kỹ nghệ tân tiến cho ngành chăn nuôi.

Như anh Hiếu, ban đầu chỉ là một người công nhân xây dựng chuồng trại cho ông, theo từng bước chân rong ruổi cùng “Khun” Jirawit, từ những bỡ ngỡ, hoài nghi anh đã mạnh dạn đầu tư trang trại ở Bình Phước. Để rồi kết quả ngày hôm nay, anh Hiếu thoát nghèo, vươn lên thành một người có cuộc sống khá giả, ấm no và sung túc.
Với “Khun” Jirawit, đồng hành cùng ông, là đồng hành cùng sự phát triển cuộc sống và nâng cao trình độ kỹ thuật lẫn nhận thức cấp tiến trong chăn nuôi.

Không quá lắm khi nói rằng mấy trăm trang trại chăn nuôi phủ khắp mọi miền đất nước của C.P. Việt Nam là những trang trại xanh, sạch, gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường. Đó như là kim chỉ nam trong hoạt động đầu tư của Tập đoàn C.P., và cũng như là tâm niệm đầy thiện ý với Việt Nam.

“Khun” Jirawit, luôn đau đáu về việc môi trường sẽ như thế nào trước sự tác động của biến đổi khí hậu cũng như việc tàn phá vô tội vạ của các doanh nghiệp kinh doanh. Vậy nên, với tình yêu dành cho thiên nhiên, ông hoạch định một chiến lược phát triển bền vũng cho các trang trại, đảm bảo môi trường được bảo vệ từ đất, không khí và cả nguồn nước.

Trang trại được quy hoạch các vùng trồng cây cổ thụ để tạo không khí trong lành, hạn chế việc xả khí CO2. Các chuồng chăn nuôi được xây dựng theo quy trình khép kín, đảm bảo sạch sẽ, không gây mùi lên vùng lân cận. Nguồn nước qua các tầng lọc chia ra dùng tưới tiêu cho cây trổng, rau xanh, vệ sinh chuồng trại.

“Khun” Jirawit đi những bước tiên phong cho một hệ ý thức biết bảo vệ gìn giữ môi trường của ngành chăn nuôi. Từ mô hình này, rất nhiều nơi đã học tập và thay đổi cách làm chuồng trại xưa cũ.

Ông hồ hởi chia sẻ, giờ đây, khi bước vào các trang trại C.P. Việt Nam, nhìn những mảng xanh phủ khắp, hít thở bầu không khí trong lành, tận tay hái mớ rau sạch về chia sẻ lại cho nhân viên dùng, ông thấy đời mình nhẹ nhàng thanh thản lạ kỳ. Mỗi chuyến thăm trang trại, với ông như là một chuyến nghỉ dưỡng.

Cho đến tận bây giờ, “Khun” Jirawit vẫn cứ trăn trở về nguồn nước sạch cho tương lai. Với tầm nhìn xa và tấm lòng dành trọn vẹn cho đất Việt, ông luôn cố gắng truyền tải thông điệp về một thế giới sẽ khan hiếm nước nếu bây giờ chúng ta cứ sử dụng vô tội vạ. Với ông, tiết kiệm nước, tái sử dụng hợp lý, nâng cao thêm nữa ý thức bảo vệ nguồn nước, thì mới mong thế hệ tiếp nối vẫn còn nước mà dùng.

Từ trong giọng nói trầm mịch, ánh mắt xa xăm của ông, tôi nghe đâu đó một tình yêu tha thiết dành cho mảnh đất này. Một tình yêu vô điều kiện, không toan tính thiệt hơn được mất. Đôi khi, trong cuộc đời chúng ta, mình yêu thương nơi nào đó, đâu cần phải có một lý do. Chỉ cần con tim mình mách bảo, đó sẽ là một tình yêu thương chân thành.

Ông ví von mình như một hạt mầm đến từ Thái Lan, nhưng bén duyên và xanh um tươi tốt trên mảnh đất Việt Nam. Vậy nên, cả cuộc đời mình, ông có thể vì đất nước này mà tận hiến sức lực lẫn tâm can.

“Thần tượng” của nhân viên

Nghe những lời ông, rành rọt bằng một giọng Việt ngọt ngào, hào sảng của miền Tây sông nước, lại càng thêm hiểu vì sao, khi nhắc đến tên ông, mọi nhân viên của C.P. Việt Nam đều kính trọng và dành cho ông một tình cảm tựa thể ruột thịt trong gia đình.

Anh Phạm Phú Phát, xem “Khun” Jirawit như là thần tượng trong đời mình. Anh Phát kể, khi vừa tốt nghiệp đại học anh đã vào C.P. Việt Nam làm việc, thiếu nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, chính ông Jirawit là người hướng dẫn anh một cách nhiệt tình và nhẫn nại. Thậm chí, “Khun” Jirawit còn gây bất ngờ cho anh Phát khi xắn tay áo đỡ đẻ cho heo một cách thành thục và điêu luyện, ngồi lên heo cỡi để xem độ chắc của thịt heo. Giản đơn mấy công việc này, thông thường thì nhân viên phải làm, nhưng “Khun” Jirawit chẳng nề hà việc lớn hay nhỏ, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ông muốn đảm bảo chất lượng mà sản phẩm C.P. Việt Nam cung cấp ra thị trường phải tuyệt đối cao nhất.

“Khun” Jirawit rất nghiêm khắc. Đối với ông đúng sai trong công việc phải rõ ràng. Ông sẵn sàng bỏ công sức chỉ dạy đôi ba lần để nhân viên tận tường công việc. Ông sẽ nói cho đến hiểu, ông sẽ làm cho xem, và cũng chính ông sẽ kiểm tra những gì mình đã chỉ dạy để nhân viên thuần thục trong cách làm việc.

Ông có thể la ào ào khi nhân viên sai phạm, nhưng cũng sẵn sàng lắng nghe những sáng tạo, cải tiến nhằm đem lại hiệu quả từ nhân viên. Thời gian một ngày đối với “Khun” Jirawit rất quý giá. Nhưng chỉ cần nhân viên tìm đến mình, ông vẫn trong tâm thế chia sẻ chẳng quản ngại thời gian.

Ẩn sâu bên trong con người tưởng chừng đầy uy nghi ấy, lại là một tấm lòng vô cùng bác ái. Như anh Phát chia sẻ, chính “Khun” Jirawit là người giúp anh từ những ngày đầu còn là cậu sinh viên tỉnh lẻ lơ ngơ giũa miền nắng ấm phương Nam này. Chiếc xe máy đầu tiên anh Phát có được, cũng là do “Khun” Jirawit hỗ trợ tiền để anh có phương tiện chủ động đi lại. Hồi nhà anh Phát ngoài miền Trung bị lũ lụt, cũng chính ông giúp anh số tiền để gởi về gia đình vượt cơn khó khăn. Hay cả sau này, khi đã gắn bó và trưởng thành hơn, có thu nhập đã ổn định ở C.P. Việt Nam, khi anh mua căn nhà riêng cho mình, cũng lại là “Khun” Jirawit đứng phía sau hỗ trợ hết lòng cho anh có một mái ấm như mình mơ ước.

Thần tượng “Khun” Jirawit nên cách sống và làm việc của anh Phát luôn luôn mang dáng dấp hình ảnh của người sếp Thái mà mình trân kính bao lâu nay.

“Khun” Jirawit là vậy, rất kiệm lời khi nhắc đến tấm lòng nhân ái chia sẻ khó khăn với mọi người. Dường như đối với ông, hành động luôn thực tiễn hơn lời nói. Khi được hỏi về những tấm chân tình dành cho người Việt, ông lặng lẽ trầm tư. Ông thương những người nhân viên của mình lắm. Họ đã đi với ông cả ngần ấy thời gian, là cả quãng đời dài gắn bó, trung can, cùng ông dựng xây một C.P. Việt Nam rực rỡ như hôm nay. Vậy nên, những gì ông giúp họ là vì họ xứng đáng.

Như chuyện khi nghe cô Cúc, người thông dịch viên cũng có hơn 20 năm gắn bó với C.P. Việt Nam, thông báo một trường hợp nhân viên lâu năm của công ty vừa mất. Ông lặng lẽ, một mình chạy thẳng xuống tận nơi tang lễ mà thăm viếng. Sự quan tâm sâu sắc đó của ông, chẳng cần nói với ai, tất thảy nhân viên đều nhìn thấy và ngưỡng mộ.

Ở nơi đâu cũng thế, chỉ cần con người sống với nhau bằng con tim biết thương yêu và chia sẻ, thì nơi ấy, những hạt mầm nhân ái sẽ nở cho đời những đóa an nhiên.

“Trong cuộc sổng này, vốn dĩ còn lắm điều khó khăn, chỉ cần mỗi người một tấm lòng biết sống tử tế tích cực lan tỏa niềm thương yêu này, thì cuộc sống sẽ lại an lành.” Ông vẫn nghĩ như thế.

Từ tuổi thơ nhìn thấy hình ảnh nguời bà, người mẹ của mình, dù sống trong gian khó nhưng vẫn chia sẻ với nhiều phận đời kém may mắn hơn, ông đã dần hình thành lòng nhân ái này. Cho đến ngày hôm nay, suốt hành trình cuộc đời của mình, “Khun” Jirawit luôn song hành giữa chuyện kinh doanh và các hoạt động thiện nguyện.

Hàng tháng ông đều góp tiền cá nhân mình cho Quỹ hỗ trợ từ thiện C.P. Việt Nam, Quỹ từ thiện của bộ phận Swine. Không chỉ có vậy, bằng tấm lòng bác ái bao la này, ông đã vực dậy nhiều mảnh đời đang đối diện với lằn ranh sinh tử.

Má Cúc, một trong những nhân viên lâu năm được mọi người trìu mến gọi là má, là một trong nhiều trường hợp như thế. Người phụ nữ gần 70 tuổi đời, vẫn bật khóc ngon lành khi nhắc về quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư và sự hợp lực chung tay của tập thể nhân viên C.P. Việt Nam. Những tưởng mình sẽ phải buông xuôi đời mình trước ngã rẽ định mệnh nghiệt ngã này. Nhưng chính tấm lòng thiện lương của các đồng nghiệp đã đùm bọc và nâng đỡ má Cúc trong những ngày cơn bệnh hiểm nghèo đang làm khánh kiệt từ thể xác đến tinh thần, lẫn vật chất.
Nhưng đáng nhớ nhất với má, cho đến tận bây giờ, chính là ở cái khắc giây tưởng chừng không còn đủ tiền để tiêm mũi thuốc cuối. “Khun” Jirawit đã trao cho má một phong bì, như có một mối tâm linh nào đó, số tiền lớn ấy, vừa vặn đúng khoảng má Cúc đang thiếu. Chẳng nói một lời nào, chỉ ngoắc mà ra chỗ vắng bên lễ hội nghị Nông nghiệp thế giới, đưa má phong bao. Má nghẹn ngào vui mừng khôn xiết. Phong bao thư ngày ấy đủ đầy để cứu rỗi một phận người. Chẳng dừng lại ở đó, “Khun” Jirawit biết má Cúc vì căn bệnh của mình mà vương mang nợ nần. Ông lại dúi vào tay má một mớ tiền để thanh toán dứt điểm số nợ, cho má an lòng mà thảnh thơi sống những ngày heo may đời mình.

Những giọt nước mắt tri ân tuôn trào giữa buổi nói chuyện khiến lòng tôi rưng rức. Thú thật, tôi đã cố gắng kiềm lòng, nhưng nước mắt vẫn cứ chực trào. Trộm nhìn qua , ánh mắt ông lảng sang một góc phòng, đầy xao xác. Khắc giây đó, với tôi, người đàn ông này thật tinh tế. Mọi người bảo tôi, ông vốn ít nói về ông, về những gì mình làm, ông lạnh tanh ừ hử thế thôi. Nhưng buổi gặp gỡ này với tôi là cả một sự chân thành và đầy niềm nở. Ông đứng lên, mở hai chai nước mời tôi và cô Cúc. “Khun” Jirawit ý nhị như thế để chúng tôi lấy lại cân bằng cảm xúc, để câu chuyện chúng tôi không trầm lặng xuống. Với ông, cuộc sống này, luôn phải dự trữ cho mình một nguồn năng lượng tích cực, để sống những ngày thật dài, thật xa, và thật tốt.

Rất nhiều thế hệ nhân viên của C.P. Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước dường như thấm nhuần tư tưởng và nhân cách sống của ông. Từ đó, lan tỏa trong họ một cuộc đời thiện lương sâu lắng.

Ông “nhà quê”

Hai mươi lăm năm gắn bó với đất nước này, ông vẫn trăn trở một niềm riêng về dải đất khô cằn sỏi đá miền Trung. Làm sao để dân ở đây thoát nghèo? Làm sao cho bà con biết trồng trọt và chăn nuôi để có kế sinh nhai mà không bỏ đất hoang? Ánh mắt ông vẫn cứ xa xăm về vùng miền hẻo lảnh nứt nẻ mà mình từng đi qua.
Nghe ông hoạch định những việc mình cần phải làm cho nơi đó, lại càng trân quý hơn sự thiết tha mà một người Thái Lan dành cho đất nước Việt Nam. Vậy nên, nói nơi này chính là quê hương của “Khun” Jiravvit chắc là chẳng thể sai.

Rời khỏi phòng làm việc giản đơn của một người lãnh đạo cao cấp Tập đoàn C.P., bằng cái bắt tay nồng ấm chân thành, ông vẫn tinh tế và giản dị tự nhận mình là “nhà quê”. Ông thích hai từ đó. Nghe thân thương và quả đỗi bình dị.

“Mây che trên đầu, và nắng trên cao” (Lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Vẫn còn đó bầu trời xanh với những điều tốt lành cho tương lai mà tôi tin chắc Jirawit sẽ thực hiện thành công mỹ mãn.

Tự dưng khắc giây nhìn vào ánh mắt ông lần cuối, trước khi chào tạm biệt ra về, ánh mắt cương nghị mà dạt dào tình cảm ấy khiến tôi hy vọng, rằng thêm một lần nào đó cuộc đời sẽ cho mình duyên may hạnh ngộ cùng ông. Từ lần hạnh ngộ đó biết đâu tôi có thể học hỏi thêm ở cái ông “nhà quê” ấy về những điều tốt lành tử tế bình thường mà ông đã làm. “Khun” Jirawit, vẫn luôn miệt mài với những công việc thầm lặng. Đâu đó trên khắp mọi miền đất nước, sau mỗi bước chân ông đi qua, chắc chắn lại có một hạt thương vừa nảy mầm.

Nguồn: Trúc Thiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Từ khóa liên quan: ,,