Người C.P

Chung một lòng thương

Ngày đăng: 31/07/2020

Nhân gian này, có những con người vì duyên mà đến, vì thương mà tìm, và vì chung một tấm lòng mà họ gắn bó như máu mủ ruột rà. Xe lướt vội qua những cánh rừng cao su bắt đầu vàng lá. Chị Lan bảo, mùa này, bão dần dã khắp miền Trung, lá ngút ngàn miền Tây, họ lại chuẩn bị rong ruổi đời mình cho những chuyến đi đầy ắp tình người.
Yêu thương là một chặng đường dài và cần rất nhiều sự chung tay để những chuyến đi luôn đong đầy niềm chia sẻ.
Từ giấc ngủ thật hiền
Đó là ngày lá úa rụng đầy bên những cánh rừng bạt ngàn cao su. Anh ra đi trong một sớm mai bàng hoàng, bỏ lại thật nhiều dự định dở dang cho một mùa xuân mới ấm áp đang cận kề Đến tận bây giờ, khi nhắc nhớ về buổi ấy, buổi trời lạc gió mây miền, bạn bè vẫn thảng thốt thương cảm cho Ruân.
Ruân hiền lắm, siêng năng và tháo vát. Trong mối quan hệ với bạn bè đồng nghiệp, anh luôn được lòng tất cả. Gắn bó với nhà máy chế biến thức ăn thủy sản sáu năm, ở cái ngưỡng hơn ba mươi tuổi, hừng hực sức lao động và nhiều hoài bão cống hiến, vậy mà Ruân đi. Ruân nằm đó, mắt nhắm nghiền, giấc ngủ thật hiền, bình yên và mãi mãi. sự ra đi càng xa xót cùng cực hơn khi người vợ của Ruân cũng mất trong tai nạn thương tâm với chồng. Bỗng chốc một gia đình tan tác. Bà mẹ quê, cả đời tảo tần, tóc bạc màu sương mai, lại thắt thẻo ruột gan tiền đứa con vẫn còn xanh đen vầng trán thơ. Hai đứa trẻ ngơ ngác giữa ngã ba đời mình, chợt thiếu vắng bàn tay chăm sóc ấm áp của mẹ cha. Mái nhà xiêu vẹo giữa rừng cao su càng thêm đơn chiếc.
Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm… Giờ mất cả hai, phận đời của hai đứa trẻ ấy rồi sẽ về đâu? Câu hỏi miên man theo những ngày lá trút vàng, xao xác quanh căn nhà cấp bốn vỏn vẹn ba mươi mét vuông, lẻ loi đầy cô quạnh.Cuộc đời luôn có những khắc giây nghiệt ngã khôn xiết. Ruân về với đất. Đất ôm trọn Ruân vào lòng, còn nỗi đoạn trường này, chỉ người thân ở lại, mới đau thấu một nỗi riêng mang.
Trên mảnh đất tình người
Tự bao đời nay, miền Đông đất đỏ vẫn luôn dung chứa tình người, ngời sáng những yêu thương. Xứ Bàu Xéo (Đồng Nai) này, người sống với người, bằng lòng thẳng ngay, bằng nghĩa cao dày. Đưa vợ chồng Ruân về nhà là những tấm lòng chứa chan sự đùm bọc, sẻ chia những khó khăn mất mát. Tang thương này được sưởi ấm bằng những con tim chung một lòng hướng đến người bạn đồng nghiệp có số phận mong manh. Căn nhà chỉ hơn ba mươi mét vuông làm sao để được hai áo quan tài? Rồi cảnh gia đình đã vốn dĩ thiếu trước hụt sau, tiền đâu ma chay? sức cùng lực kiệt của người mẹ già sao kham nổi gánh nặng này đây? Hai đứa trẻ vẫn còn ngây dại trước nỗi đau đầu đời biết phải làm sao báo đáp chữ hiếu lần cuối cùng này với cha mẹ?Ngàn câu hỏi đau đáu tuôn chảy theo những giọt nước mắt. Cái nghèo cái khổ đôi khi đeo bám con người ta đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Nhưng, từ trong cùng quẫn ấy, tập thể Bộ phận kỹ thuật của nhà máy đã đi đầu trong cuộc vận động quyên góp và hỗ trợ đám tang. Những người bạn, những người anh chị thân thương đã chẳng quản ngại mệt mỏi, họ chung tay góp vật chất, công sức, dựng những mái lợp ngoài hiên nhà làm nơi đặt hai cỗ áo quan song đôi. Mỗi người một việc, chu toàn cho lễ viếng vợ chồng người đồng nghiệp xấu số. Họ đến, ngay tức thì, giữa những rối bời của tang gia. Những ngày cận kề bên gia đình anh Ruân, niềm thương cảm lại càng dâng cao hơn nữa trước nỗi gian truân của người bà khi từ nay phải gồng gánh thêm cuộc đời hai đứa trẻ mồ côi. Chẳng ai bảo ai, họ tự nhủ lòng, với gia đình Ruân, họ còn phải làm nhiều hơn thế nữa.
Đất hoang vu khép lại cuộc đời Ruân, nhưng lại mở ra một hành trình mới cho những người bạn có tấm lòng thiện lương. Một hành trình kết nối những trái tim. Hành trình hong ấm những yêu thương sẽ phải là một hành trình dài, và mang lại cuộc sống bình yên nhất cho người thân của Ruân.Tập thể Bộ phận kỹ thuật nhà máy thức ăn thủy sản Bàu Xéo đã vạch ra kế hoạch xây dựng lại căn nhà như một sự động viên dành cho gia đình anh Ruân. Từ công đoạn lên ý tưởng, cho đến dự liệu kinh phí đều được họ tham khảo kỹ càng, phối hợp nhịp nhàng. May mắn thay, họ nhận được sự quan tâm của lãnh đạo công ty C.P Việt Nam và Quỹ hỗ trợ từ thiện C.P Việt Nam như một nhịp cầu gắn kết tất cả nhân viên của công ty trên mọi miền đất nước. Đó là những ngày dài, những mốc thời gian mà cho đến bây giờ, họ vẫn không thể nào quên được.
Đáp ứng lời kêu gọi chung lòng chia sẻ yêu thương cho cuộc hành trình mang niềm ấm áp xóa nhòa nỗi đau này, là sự ủng hộ lan tỏa đến gần 20 ngàn công nhân, cán bộ, lãnh đạo của C.P Việt Nam. Chỉ nửa năm sau ngày Ruân mất, những viên gạch đầu tiên đã được dựng xây trên mảnh đất nghèo này. Mọi tiến trình xây dựng đều được quan tâm sát sao, cẩn trọng và đảm bảo đúng dự liệu của kế hoạch. Có lẽ, cho đến tận bây giờ, anh Kiệt, một người trưởng phòng đáng quý của Ruân, vẫn không quên được cái khắc giây mà mình đặt bút ký biên bản nghiệm thu công trình xây nhà tình thương này. Một công trình đặc biệt trong đời mình.
Ngày 28/8/2012, ngày trời trong xanh như ánh mắt của hai đứa trẻ bắt đầu tìm thấy lại được niềm tin cuộc sống trong phận đời côi cút của mình. Ngày gió biết cười, nụ cười mãn nguyện của người bà yên lòng trong chính những hiu hắt đời mình. Ngày an lành như lòng người biết cho đi sự chia sẻ để nhận về hạnh phúc. Người ta thường mãi hoài tìm kiếm hạnh phúc của đời mình mà đâu hay, hạnh phúc chẳng ở xa xôi, đôi khi chỉ là một điều nhỏ nhoi khiến con tim mình ấm, khiến lòng mình nhẹ, khiến nụ cười nở tươi trên môi. Trong ngôi nhà mới khang trang, dẫu vật chất chưa đủ đầy tiện nghi, nhưng đôi tay người bà lại nồng nàn bên bếp lửa ấm những chiều hôm, đôi chân cháu lại rộn ràng những nhịp bước tuổi thơ hồn nhiên. Để rồi mỗi bận lễ Tết, giờ là những người đồng nghiệp lại ghé sang nhà, với nhiều sự yêu thương tiếp tục trao gởi. có khi chỉ là một sáng cuối tuần họ cùng đến thăm nhà, ăn một bữa ăn với mẹ Ruân, cùng những đứa trẻ chơi trò con nít, tiếng cười vọng mãi bên cánh rừng cao su. Cũng có khi, họ tổ chức một cái Tết Trung Thu ấm cúng, dẫn theo những đứa con của mình, cùng rước đèn tháng Tám với hai đứa trẻ nhà Ruân. Đèn ông sao lung linh ngời sáng những ước mơ.
Xoay vòng đời, ta đến tìm nhau
Mỗi một người là một cơ duyên đến với C.P Việt Nam, nhưng tựu trung lại ở họ đều có một tâm hồn đồng điệu dành cho chuyện thiện lương. Với quãng thời gian gắn bó hơn chục năm tại công ty, từ những ngày đầu nhà máy đặt tại Bàu Xéo vẫn còn muôn vàn khó khăn, anh Kiệt kể, hồi ấy phương tiện liên lạc và trao đổi vẫn còn nhiều hạn chế. Có lúc nửa đêm khuya lắc, nhà máy xảy ra chuyện, cần liên lạc mọi người, anh phải chạy xe đi thông báo đến từng nhà nhân viên. Tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió bạt vun vút. Đến giờ nghĩ lại anh vẫn cứ rờn rợn người. Nhưng anh vẫn vui, vì anh em chẳng quản ngại thời gian mà tìm đến, chung tay giải quyết mọi vấn đề. có những lúc như thế, mọi người mới càng thêm trân quý sự thành công ngày hôm nay của nhà máy. Giữa những cánh rừng bạt ngàn này, họ cơ cực thiếu thốn nhưng vẫn luôn cô vũ nhau vượt lên điều kiện khắc nghiệt, lấy đó làm động lực và mục đích phấn đấu không ngơi nghỉ. Hồi đó, anh em vẫn cứ đứng cạnh nhau mà vượt qua nhiều trắc trở để xây dựng một tập thể vững mạnh trong sản xuất và đoàn kết trong cuộc sống. Họ sống bình dị chân chất như những cây cao su vẫn vươn lên giữa mảnh đất đỏ hoang vu xứ này, vẫn rỉ rả những dòng nhựa dâng đời bao hữu ích. Từ trong cuộc sống còn chưa đủ đầy, họ vẫn nảy ra những sáng kiến đầy chia sẻ yêu thương nhằm hỗ trợ những bạn đồng nghiệp còn lắm nỗi lầm than. Thùng Từ thiện sẻ chia ra đời từ những trái tim biết đập những nhịp đập nhân văn đó.
Cứ mỗi cuối tháng, Thùng Từ thiện sẻ chia lại được khui ra, những tờ tiền lẻ, dẫu chỉ một vài ngàn, là cả tình cảm chắt chiu của tập thể gói ghém gởi đến một mảnh đời đang cần để vượt qua cơn khốn khó.Cứ thế, Thùng Từ thiện sẻ chia được duy trì cho đến nay, biết bao mảnh đời anh em đã nhận lấy yêu thương này. Và cũng từ ấy, họ lại nhịn một phần cà phê sáng, bỏ qua một gói bánh, chỉ để dư chút tiến nhỏ mọn, gom góp vào Thùng Từ thiện sẻ chia, vì hơn ai hểt, họ biết, đâu đấy giữa những đồng nghiệp thân gần của mình, cần lắm một sự san sẻ.
Không chỉ trong nội bộ công ty, Tập thể kỹ thuật nhà máy thức ăn thủy sản với đầu tàu là anh Kiệt, chị Thủy, chị Phương, chị Lan còn nhân rộng tấm lòng mình ra với bên ngoài xã hội. Tập thể thường tổ chức những chuyến thiện nguyện đến với Trại dưỡng lão Định Quán, thăm nhà nuôi trẻ em mổ côi ở Đồng Nai, thăm những hoàn cảnh bị bệnh hiểm nghèo ở Củ Chi.Những chuyến đi luôn gieo vào lòng họ nhiều cảm xúc. Họ lại càng trân quý hơn những điều tử tế bé mọn mà mình đang theo đuổi. Chẳng cần làm điều gì to tát, đôi khi chỉ một cái ôm ủ ấm tấm lòng những mái tóc bạc phơ thiếu vắng cháu con; vài trò vui nhắng nhít cùng đám trẻ nhóc vốn dĩ ngơ ngác bóng hình mẹ cha; hoặc là cái nắm tay thân thiện rưng rức với số phận kiệt cùng của những bệnh nhân hiểm nghèo.
Vậy đó, đã là tử tế thiện lương.
Cho những cánh diều cuối trời thênh thang
Chiều Bàu Xéo những ngày tháng chín u xám, gió lộng qua những tán cao su, phía xa xa, vài cánh diếu chấp chới cuối trời thênh thang. Chị Thủy mỉm cười nhắc lại câu chuyện, hồi đầu mới về công ty mệt mỏi với nhiều áp lực, chị xin nghi. Anh sếp người Thái kêu chị lên phòng, vẽ một cánh diều, rồi nói với chị, những cánh diều chỉ bay cao khi gặp đúng gió. Lá đơn bị xé và chị gắn bó với nơi này, ngót nghét cũng gần 20 năm. Những cơn gió an lành nơi đây luôn chắp nối, nâng niu cho cánh diều thiện lương bay cao, bay xa, qua bao nắng mưa bão giông, vần chung một lòng chẳng thể phai mòn. Điều tử tế bình dị luôn lan tỏa mọi ngóc ngách tâm hồn những con người chất phác thật thà của Tập thể kỹ thuật nhà máy thức ăn thủy sản Bàu Xéo.
Trên quãng đường vế lại sài Gòn, vẫn đọng trong tôi nụ cười đôn hậu của chị Lan, một Đại sứ nhân ái của công ty C.P Việt Nam. Điều gì đã làm cho người phụ nữ nhỏ nhắn này hằng ngày vượt chặng đường hơn ba tiếng đồng hồ đi về để gắn bó với nơi đây hơn 20 năm trời? Điều gì đã khiến chị dành cả thanh xuân con gái với nhiều ước vọng và hoài bão để tận hiến cho chỉ một nơi làm việc?
“Vì nơi này, tình người vượt lên tất cả.”
Hai chữ tình người nhẹ nhàng và thanh thoát của chị khiến lòng tôi chợt lâng lâng một niềm thương da diết dành cho những con người hiền hòa nơi đây. Nơi miền Đông anh dũng ngày xưa, mạch đất ung dung từ bàn tay vun xới của họ, giờ xanh lên những niềm tin cuộc sống mới.
Nhân gian này, có những con người vì duyên mà đến, vì thương mà tìm, và vì chung một tấm lòng mà họ gắn bó như máu mủ ruột rà. Xe lướt vội qua những cánh rừng cao su bắt đầu vàng lá. Chị Lan bảo, mùa này, bão dần dã khắp miền Trung, lá ngút ngàn miền Tây, họ lại chuẩn bị rong ruổi đời mình cho những chuyến đi đầy ắp tình người.
Nguồn Trúc Thiên – Ban biên tập Cper.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *