
Chú Soạn người bảo vệ cần mẫn của Công ty C.P.Việt Nam chi nhánh Đồng Nai
Mỗi ngày là một ngày vui
Rời xa bục giảng của Trường Sĩ quan Thủ Đức, chú Nguyễn Văn Soạn đến với Công ty C.P. Việt Nam. Buổi ban đầu sơ khai gây dựng với nhiều gian truân, việc gì chú cũng nhận làm, không nề hà cực nhọc vất vả. Với nếp sống của một người thầy, chú đầy trách nhiệm và kỹ càng trong mọi công việc. Chấp nhận rời bỏ vị trí giảng viên khi ấy là niềm mơ ước của nhiều người để làm anh nông dân như đúng ý nguyện, vậy là chú Soạn đã vui.
Chú cười nhẹ giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa tháng Chín, đủ làm người đối diện dịu lòng. Không có gì đẹp hơn một nụ cười đã trải qua những giọt nước mắt. Bảy mươi tuổi đời, một hành trình đằng đẵng những gieo neo thác ghềnh, vậy mà niềm hứng khởi vẫn đong đầy trên nét mặt, cử chỉ và trong ánh mắt chú.
Cuộc đời ai rồi cũng sẽ đi qua những đoạn đường thăng trầm va vấp. Chính những trải nghiệm đó là hành trang giúp mình đủ đầy bản lĩnh để bước tiếp những ngày dài, những năm xa. Có một điều tôi tin chắc rằng, chẳng ai có thể đoán trước được tương lai của mình sẽ trắc trở chông gai hay duyên may hanh thông.
Chú nói về những ngày đầu đầy khó khăn thiếu thốn tại C.P. Việt Nam bằng cảm xúc nhẹ tênh. Những ngày mà từng mẫu văn bản của công ty được đánh trên máy đánh chữ, ruy-băng rách nát phải thay thế bằng miếng giấy carbon. Nhưng, chính những khó khăn đó đã khiến lòng người thêm kiên định cho con đường phát triển và cống hiến công sức không hề mệt mỏi cho sự nghiệp chung.
Những ngày ấy từ trong sản xuất gian khổ, anh em vẫn nghĩ về nhau, cùng chung tay chăm lo đỡ đần nhau khi bệnh hoạn, lúc đói no. Mọi người cùng nhau hì hụi cải tiến để đáp ứng thị trường cạnh tranh khốc liệt. Có những đêm, cả tập thể mệt rã rời cho một đợt hàng xuất, vậy mà vẫn cứ trăn trở về thị hiếu tiêu dùng và chất lượng sản phẩm. Đó là những đêm vui buồn lẫn lộn với âu lo.
Dù ở vị trí hay vai trò nào, chú Soạn cũng tâm niệm hai chữ trách nhiệm. Từ anh quản đốc, cho đến vị trí lãnh đạo, hay khi đã về hưu, chú vẫn tha thiết chung vai gắng sức vì niềm đam mê này. Với chú, mỗi ngày tiếng cười của mình hiện hữu trong công ty đã là một ngày vui. Ở cái tuổi quây quần bên cháu con, tận hưởng không khí gia đình ấm áp, vậy mà, chú Soạn lại chọn niềm vui gắn bó với công việc. Chú nói về điều này như là một lựa chọn không thể làm khác với tấm lòng, như thể đó là một niềm an nhiên trong cuộc đời mình.
Neo lại vì nụ cười
Mà làm sao chú xa nơi này cho được! Khi từ lãnh đạo công ty đến những đồng nghiệp trẻ đều yêu quý chú không nỡ xa rời. Chú hết tuổi lao động, mọi người kiếm “cớ” để chú làm bảo vệ văn phòng. Chỉ cần ngồi đấy, mỗi bình minh của ngày dài làm việc, người ra kẻ vào ghé ngang, chú trao nụ cười, lan tỏa niềm lạc quan hứng khởi. Mọi người nhận lấy nụ cười ấy để thêm vững tin vào những cống hiến của mình cho chính nơi này. Nụ cười xóa nhòa mọi khoảng cách. Nụ cười kéo gần những mối quan hệ xa xôi. Nụ cười làm mát dịu ngày nắng, xua tan u tối những ngày mưa. Nụ cười của ngày xưa, hay là bây giờ, vẫn vẹn nguyên điều tử tế thiện lương.
Cũng có bận, chú đón Tết cổ truyền với sếp người Thái, chẳng còn rào cản hay khoảng cách của hai người khác dân tộc, khác Tổ quốc. Kẻ chúc người một năm sức khỏe. Người chúc kẻ một năm thành công. Cả hai cùng chung chén trà, dùng cùng nhau vài khoanh bánh tét. Mấy món mứt quê hương thiết đãi người lạ xứ, nghe như tình thân chảy trong tim mình. Tết nơi đâu chú chẳng cần biết, chứ cái khắc giây ngồi chung với ông sếp Thái này, với chú đã quá chừng Xuân.
Mỗi một cuộc gặp gỡ đều vì duyên mà đến, vì thương mà sống và vì nợ mà gắn bó lẫn nhau. Chú luôn tin rằng, trong cuộc đời mình, có phước đức mới nhận về quá đỗi yêu thương.
Bảy mươi tuổi, thi thoảng khi chú nghĩ về những ngày sẽ xa nơi này vì sức khỏe, vì tuổi tác, lòng lại rưng rức bao nỗi niềm. Chắc là chú sẽ lóng ngóng vụng về khi mỗi sớm mai thiếu vắng tiếng cười của đồng nghiệp. Hay là chú sẽ nhớ thương da diết cảnh cũ người xưa đã gắn bó bao năm tháng luân lạc nơi này. Chú sẽ nhớ cái bánh đám nhỏ chia phần để trên bàn cho chú, nhớ cái choàng vai hỏi thăm mỗi bận ông sếp Thái ghé ngang văn phòng. Hay chỉ giản đơn là chú sẽ nhớ bàn làm việc, cái cổng công ty. Nỗi luyến thương lúc nào cũng luôn sao xác con người ta từ điều dung dị nhất.
Phòng Truyền thông
Trả lời