Người C.P

Chị Thu: Người biến những ước mơ nhỏ bé thành hiện thực

Ngày đăng: 13/08/2020

Bận như các sếp mà còn muốn làm và đã làm rất nhiều điều cho những người chẳng hề quen biết, vậy sao mình không thể. Và từ suy nghĩ đó, hết lần này đến lần khác, chỉ cần có dịp là mình lại đến với những nơi khó khăn để giúp đỡ, làm những điều nhỏ bé bình thường như nấu một bữa cơm cho người khuyết tật, cho trẻ em viện cô nhi ăn,... Chỉ bởi tôi luôn được yêu thương và được truyền cho cách yêu thương từ đại gia đình CPV: Đó là những chia sẻ cảm động của chị Thu.

Chị Thu (đầu tiên bên phải)cùng cán bộ nhân viên C.P.Việt Nam tặng nhà tình thương cho người nghèo tại Biên Hòa, Đồng Nai

Từ những ước mơ nhỏ bé
“Cô ơi, lần sau cho tui con ăn cơm tấm sườn, canh chua và tráng miệng dưa hấu nha cô”. Cô bé ngồi xe lăn, ngước đôi mắt trong veo, hồn nhiên như đang nói với mẹ, với chị về mong muốn nhỏ nhoi của mình. Chẳng biết bao lâu rồi con không nói ra những mong muốn trẻ con như thế. Ở mái ấm này, khi ngày càng nhiều tấm lòng hảo tâm sẻ chia, giúp đỡ, các em không hẳn là đầy đủ nhưng cũng không quá thiếu thốn, có điều, những ước mơ giản đơn, những thèm muốn ngây ngô ấy đâu dễ gì các em nói ra được, vậy mà khi nhìn những nụ cười, khi nhận những lời hỏi han chia sẻ, khi gặp những vòng tay ôm từ các cô chú ở C.P, cô bé tật nguyền thốt ra thật hồn nhiên.
“Thương lắm” – chị Lê Nhật Thùy – Chủ tịch Quỹ hỗ trợ từ thiện C.P. Việt Nam xúc động. Hôm ấy C.P. Việt Nam đến thăm các bé ở cô nhi viện Thiên Bình, Đồng Nai. Nơi đây nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật. Trong những chuyến đi như thế, ngoài việc tặng quà, nấu ăn, hay khám chữa bệnh phát thuốc, các cô chú anh chị thường dành nhiều thời gian thăm hỏi người già, vui chơi với con trẻ. Cô gái 18 tuổi bại liệt bẩm sinh nhỏ xíu trong chiếc xe lăn làm chị Thùy trăn trở mãi. Con người ta đơn giản chỉ mong được sống cuộc đời bình thường, làm được những điều như ý, vậy mà những mảnh đời nơi đây chỉ quẩn quanh với không gian buồn tẻ này. Các em không có ước mơ, hoài bão, thậm chí không cả những ham muốn bé nhỏ tưởng như rất đỗi lạ người. “Cơm tấm sườn, canh chua” có khó khăn gì đâu nhưng lại là mong ước mà cô gái khuyết tật và hẳn bao nhiêu người khác nữa ở nơi đây cũng đang chờ đợi. Chị Thùy mang tâm tư đau đáu của mình gởi qua cho chị Thanh Thu, người đại sứ nhân ái có trái tim ấm áp. Rồi công việc cuốn chị đi. Chị không quên lời nhắn gửi ấy nhưng chưa thể thực hiện ngay được. Cho đến một ngày chị nhận được lời nhắn của chị Thu: “Em về cô nhi viện nấu cơm tấm sườn cho mọi người vui chị nha”.
Vui, với chị Thu đơn giản là vậy. Niềm vui của chị là nụ cười trên môi người khác, là những giọt nước mắt của sự sẻ chia, là ánh nhìn cảm thông, thấu hiểu!
Sẻ chia cùng đồng nghiệp
Câu chuyện với chị Thu đưa tôi về căn nhà của anh Nguyễn Huỳnh Thái, người đồng nghiệp cùng thời với chị, người đã rời bỏ nhân gian khi mới 24 xuân xanh. Mười bốn năm trôi qua, người mẹ tần tảo của anh chỉ nương tựa vào mảnh vườn nhỏ đắp đổi qua ngày, một tay chăm sóc chồng và con trai bị bệnh tâm thần cùng đứa cháu nội côi cút. “Nhưng nghiệt ngã thay, cuộc đời cứ vây lấy người mẹ, khi mất thêm người con rể, để lại cho bà ba đứa cháu ngoại đang tuổi ăn tuổi học. Thu nhập chính cho cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của cô con gái”. Chị Thu đã viết như thế trong bức thư ngỏ gởi công ty cách đây bảy năm. chị không thể nào quên được hình ảnh ba anh Thái với đôi mắt vô hồn chỉ chăm chăm vào những nét vẽ nguệch ngoạc trên nền nhà, trên bức tường cũ loang lổ vết thời gian. Chị lặng đi, nuốt cảm xúc vào lòng khi nhìn ánh mắt mẹ anh Thái bế tắc trong nỗi buồn hun hút. “Nếu anh Thái còn sống, hẳn ba mẹ anh đã không buồn khổ như vậy. Nếu anh Thái còn sống, căn nhà đã tươm tất hơn, đủ đầy hơn”. Chị mang tất cả tâm tư đó gởi vào bức thư kêu gọi sự hỗ trợ của lãnh đạo, sự góp sức của anh em trong công ty. Và ngay lập tức, các sếp nhiệt tình ủng hộ bằng cách tặng vật liệu xây dựng, khuyến khích từng nhân viên ủng hộ giúp đỡ gia đình anh Thái, có người góp vài chục, có người góp vài trăm, có người cho vài triệu,… cả công ty chung tay sửa sang cho căn nhà của ba mẹ anh Thái. Ấm áp làm sao tình người ấy ở C.P. Thật sự nếu không có thông lệ mỗi năm công ty đều cử người đến thăm hỏi động viên gia đình có con em bị tai nạn qua đời, hẳn chị đã không có cơ hội để làm được một việc ý nghĩa đến như thế.
Và, cũng từ đó, chị để ý nhiều hơn đến việc sửa sang những mái nhà thiếu trước hụt sau của nhân viên, của đồng nghiệp.
Như căn nhà của chú Đan, người bảo vệ có 20 năm gắn bó với công ty. Một năm trước khi về hưu, chú đã không còn phải lo lắng mỗi khi mưa to, gió lớn, mỗi khi nắng đổ, bụi bay.
Niềm vui cũng thế, đã đến với anh Lưỡng cách đây vài ba tháng sau bao năm trăn trở chưa có lối ra. Bà xã anh vừa nghỉ việc với đồng lương ít ỏi, sức khỏe kém. Đứa con gái thứ hai đã 21 tuổi chưa có việc làm. Anh, còn hai năm nữa cũng nghỉ hưu. Căn nhà anh ở nằm trong vùng trũng, chỉ cần một trận mưa nhỏ thôi cũng khó khăn để xoay xở khi nó được dựng quá tạm bợ. Chị Thu đến rồi truyền đi thông điệp chung tay vì đồng nghiệp. “Giờ thì ổn rồi” – anh Lưỡng nói. Anh muốn cảm ơn chị Thu, người làm cầu nối cho ước mơ gần như cả cuộc đời anh. Nếu không có chị Thu và anh em đồng nghiệp, chắc ước mơ này của anh thật khó thực hiện. Niềm vui bừng sáng trên gương mặt của anh khi chia sẻ rằng cuối cùng anh đã có được căn nhà ấm áp cho tuổi xế chiều.
Học cách yêu thương từ những điều nhỏ bé.
Hai mươi bốn năm, chị Thu chưa từng nghĩ đến một nơi nào khác ngoài C.P. Việt Nam bởi với chị, nơi đây giống như ngôi nhà thứ hai, ấm áp và yêu thương. Nơi đây chị không chỉ được học hỏi trong công việc, mà lòng trắc ẩn trong chị được nuôi dưỡng từng ngày. Chị nhớ khi mới làm ở kho, cứ chiều chiều chị lại nhận được “mệnh lệnh” cực kỳ dễ thương từ sếp. “Mua cái gì cho công nhân ăn đi bà chủ”. “Coi đặt cơm cho công nhân ăn đi bà chủ”. “Coi bữa nay có trễ không mua bánh bao, bánh mì cho công nhân ăn đi em”… Đó là những buổi xế chiều khi những chiếc xe chở hàng còn xếp đều tăm tắp trước kho. Anh, người sếp thân quý của chị lại thủng thẳng gởi lời nhắn gửi cực kỳ đáng yêu như thế. Mà chuyện ấy, nào đâu phải trách nhiệm của chị hay công ty. Họ là những công nhân bốc vác làm hợp đồng. Họ được trả lương đầy đủ và cơm nước đều có tổ trưởng lo. Nhưng, không ngày nào tới giờ đó mà anh không nhắc chị. Bởi đơn giản anh hiểu những khó khăn, vất vả của người lao động chân tay. Họ làm việc cực nhọc nên sức ăn cũng khỏe. Thế nhưng, họ phải chắt bóp từng đồng cho hàng trăm thứ chi tiêu không thể liệt kê. Vậy nên, họ nào dám mua thêm đồng quà tấm bánh vào mỗi buổi xế chiều, dù bụng có réo vang.
Người sếp ấy của chị, anh Chaiwut Mekhora, cứ thế gieo vào lòng chị những điều tốt đẹp nhỏ bé, giản dị. Anh luôn nói với chị phải cho người ta ăn no người ta mới làm việc cho mình tốt được. Rồi anh xuất tiền túi đưa cho chị, hôm thì bánh bao, bánh mì, hôm thì chị mua cả bún mọc để đổi món cho anh em. Rồi lắm khi trời nắng, anh kêu chị mua kem cho anh em ăn. Có hôm nắng quá anh lại gọi chị lên đưa tiền bảo: “Thu đi mua trà về pha trà chanh cho anh em uống cho mát”. Chị còn không biết ở đâu có thùng lớn để pha cho cả đội công nhân đông như vậy thì anh bảo qua nhà bếp ấy, anh thấy bên đó có cái thùng sạch. Có khi các anh đi đâu về thấy người ta bán bắp luộc dọc đường, vậy là lại tấp vào mua về vài ba bịch bảo chia cho anh em người một miếng ăn cho vui.
Cứ thế, chính cách các sếp quan tâm đến những người công nhân tự nhiên len lỏi vào lòng chị. Chị học từ từ. Chị neo lại những điều đẹp đẽ ấy trong trái tim mình để nhắc mình phải sống làm sao cho nhân viên cũng sẽ hài lòng về mình như thế. Chị nhắc mình không cần phải học đâu xa, hãy lấy lòng nhân, lấy sự thứ tha, chọn trái tim yêu vô điều kiện như các sếp, tự khắc sẽ an bình.
Cho tới bây giờ chị vẫn không quên hồi đó sếp Sooksunt đã từng nói: “Sau này nếu mà có thời gian anh sẽ đi đến mái ấm, nhà mở nấu bún, bánh canh, cháo phở cho mọi người ăn”. Câu nói đấy tạc vào lòng chị, làm chị cứ suy nghĩ hoài. Bận như các sếp mà còn muốn làm và đã làm rất nhiều điều cho những người chẳng hề quen biết, vậy sao mình không thể. Để rồi hôm nhận được tin nhắn từ chị Thùy, chị nghĩ mình cần phải làm ngay, và từ đó, hết lần này đến lần khác, chỉ cần có dịp là chị lại đến với những nơi như thế, làm những điều nhỏ bé bình thường, chỉ bởi chị đã luôn được yêu thương và được truyền cho cách yêu thương. Gặp bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, chị lại nghĩ về mình những ngày đầu chập chững. Ngày đó chị đã được tạo mọi điều kiện để học tập, để đi lên, để trưởng thành, chính vì vậy, bàn tay nhỏ bé của chị cũng luôn sẵn sàng để nắm lấy những bàn tay khác.
Đó cũng là cách mà chị dẫn dắt hỗ trợ chàng trai Ngô Xuân Nhân từ một công nhân hợp đồng thời vụ thành một trưởng phòng ngày hôm nay. Sinh ra từ vùng quê nghèo của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Nhân vào công ty chỉ với tấm bằng tốt nghiệp cấp ba, làm công nhân thời vụ. Gần gũi, thấu hiểu, thấy được năng lực của Nhân, chị Thu khuyến khích Nhân thi tuyển và vào làm ở kho. Trở thành nhân viên chính thức, chị động viên Nhân đi học. Tốt nghiệp trung cấp rồi liên thông lên đại học, mấy năm Nhân nỗ lực là mấy năm có sự động viên, chia sẻ của chị Thu cả về vật chất lẫn tinh thần cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Nhân trong công việc. Chàng trai Quảng Bình thật thà chia sẻ, cậu thực sự xem chị Thu như chị gái của mình, vì thế mà những chuyện trọng đại nhất trong cuộc đời cậu luôn có sự đóng góp của chị. Chẳng ai khác chính là chị chọn nhà hàng, lo tiệc cưới để vợ chồng cậu nên đôi. Chính chị động viên hỗ trợ cậu mua đất, xây nhà để có nơi ăn chốn ở. Chẳng có chuyện gì cậu không gọi, không hỏi, không nhờ chị tư vấn. Nên với Nhân, thành công của ngày hôm nay, một phần không nhỏ nhờ vào sự yêu thương, cảm thông từ chị Thu.
Nghe về chị, biết về những việc chị làm, tôi cứ tự hỏi rằng những điều đó có nhỏ bé không khi bao ước mơ cứ lớn lên thành hiện thực. Mà hiện thực ấy không chỉ là những thứ được nhìn thấy, được tính bằng sản phẩm mà là những giá trị tinh thần vô giá. Một bữa cơm, một ly nước mát lạnh, một căn nhà,… nhưng lại có rất nhiều, rất nhiều nụ cười đã được gieo ở đó, những hy vọng – tươi xanh!
Nguồn: Phương Huyền
Ban Biên Tập Cper.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Từ khóa liên quan: ,