
Anh Nguyễn Tiến Thành(người thứ 2 từ trái sang phải) cùng cán bộ nhân viên C.P.Việt Nam đến thăm làng trẻ em Birla Hà Nội
Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1992, quê ở vùng rốn lũ Quảng Bình. Ba mẹ em chẳng có gì ngoài vài sào ruộng, mùa vụ rồi thì theo chân người làng vào rừng lấy củi, kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Như bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, Thành hun đúc trong lòng ước mơ thay đổi cuộc đời bằng học hành. Tất nhiên, đời cặp sách với những đứa trẻ nghèo bao giờ cũng đầy thử thách và lắm chông gai. Sớm ý thức được cảnh nhà, thương ba mẹ, 16 tuổi, khi chúng bạn nô nức nghỉ hè, Thành nhét vội hai bộ quần áo vào ba-lô, nhảy lên xe vào thẳng Đà Lạt, xin làm vườn ngắn hạn cho người ta. Hai tháng được hai triệu đồng, với Thành là cả một gia tài.
Tốt nghiệp phổ thông, chàng trai khấp khởi vào Huế, theo học trường Cao đẳng Y, mong sớm trở thành bác sĩ. Kiếm tiền là một chuyện, nhưng với Thành quan trọng hơn là có được cái nghề có thể tiện bề chăm sóc ba mẹ lúc tuổi già, đau yếu. Vốn dĩ con nhà lao động đã quen cực nhọc, làm thêm việc này việc kia để có tiền ăn học, Thành không ngại khó khăn để theo đuổi trường lớp. Ngày ra trường, ngỡ truân chuyên đã qua, cuộc đời sắp sang trang mới thì Thành lại tiếp tục long đong lận đận. Hai năm bám trụ ở Huế, Thành tiếp tục cuộc sống nổi trôi, làm đủ thứ nghề, chỉ cần có thể kiếm được đồng tiền lương thiện là cậu không từ nan.
Cuộc đời liên tục ném cho Thành những quả chanh, không chỉ chua mà còn đắng ngắt. Nói Thành không buồn, không có lúc xuống tinh thần là không thật. Nhưng, Thành như cái cây mọc trên vùng cằn cỗi, luôn biết cách gieo thương yêu và niềm tin cho lòng mình, cậu luôn biết cách cho thêm những viên đường ngọt ngào, những viên đá mát lành vào khó khăn của đời để tạo nên một ly nước ngon tuyệt. Lúc ở quê, cậu cùng vài người bạn ở Nhà văn hóa huyện vận động mạnh thường quân góp của, còn mình và các bạn góp công, đều đặn nấu một nồi cháo mỗi sáng thứ Bảy phát cho bệnh nhân nghèo ở viện. Thành làm vì thương, vì mong mỏi có thể sẻ chia bớt phần nào nhọc nhằn mà chính cậu cũng đã từng nếm trải. Thời sinh viên, Thành hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện do trường phát động và tổ chức, cũng như đăng ký các hoạt động tình nguyện mà cậu biết bên ngoài trường. “Đó là cơ hội giúp tôi học được rất nhiều thứ, đi được rất nhiều nơi và lớn lên. Tôi nghĩ ngay cả những người có tiền, đâu phải ai muốn cũng tham gia được. Tuổi trẻ chỉ có một lần. Sẽ không bao giờ mình được sống trong những giây phút ấy lần nữa” – Thành nói, trong trẻo.
Căn nhà hợp lực yêu thương
Thành đến với C.P. Việt Nam khi tham gia chương trình Hành trình đỏ do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và VTV CORP tổ chức. Thành nói nghe rất nhẹ nhàng. Để có thể góp mặt trong Hành trình đỏ, Thành đã phải trải qua một cuộc tuyển chọn vô cùng gắt gao từ Ban tổ chức Hành trình đỏ. Khoảng 4.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia Hành trình đỏ phải trải qua một đợt kiểm tra hồ sơ, họ sẽ từ đó chọn ra 1.000 người. Chương trình tiếp tục phỏng vấn để từ số ứng viên đó chọn ra 150 người, vẫn tiếp tục thử thách, để cuối cùng chương trình chỉ giữ lại 120 u hạt giống ưu tú nhất, có sức khỏe tốt nhất theo hành trình. Suốt một tháng đi dọc qua ba miền đất nước, với lịch trình kín mít. Đến bất cứ nơi nào, các tình nguyện viên của Hành trình đỏ cũng tận tình và đem hết sức trẻ để cống hiến. Buổi sáng, dù trời nắng hay mưa, các bạn tỏa đi khắp bản, làng, xã vận động hiến máu, giải thích cho người dân rồi hỗ trợ các y bác sĩ chuẩn bị dụng cụ cần thiết. Xong việc thì tay chân rã rời, có khi ngồi bệt xuống ven đường ăn vội hộp cơm.
Chiều thì mọi người lao vào chuẩn bị đêm nhạc tại địa phương, tổ chức trò chơi vận động. Chương trình bắt đầu, các bạn hồ hởi bước lên sân khấu nhảy múa như chưa hề biết mệt nhọc. Dù xuống sân khấu, ai cũng đuối sức. Dọn dẹp xong thì ai nấy tranh thủ ngủ để sáng mai lại bắt đầu hành trình mới, ở một nơi mới. Suốt một tháng trời, nơi nào cũng đi, điều kiện khó khăn, gian khổ đến mấy cũng chấp nhận, có khi phải xếp bên nhau mà ngủ, tình nguyện viên của Hành trình đỏ vẫn cười rạng rỡ.
Nguyễn Tiến Thành là nhân tố tích cực ở khâu hậu cần trong số 120 tình nguyện viên được chọn vào dịp đó. Cho đến hôm nay, ngồi nhắc lại chuyến đi dài ấy, vẫn không nghe Thành than thở một tiếng nào.
Trong Thành vẫn vẹn nguyên niềm hứng khởi, sự sôi nổi và nhiệt huyết mà cậu dành cho chuyến đi. Ánh mắt Thành lấp lánh khi nhắc đến ba chữ Hành trình đỏ. Tâm hồn trong sáng, thái độ chân thành, tấm lòng rộng mở, biết sẻ chia với cộng đồng của Thành thực sự là một viên ngọc quý, nhất là khi hoàn cảnh em còn nhiều khó khăn. Đến lúc ấy, tôi mới hiểu vì sao C.P. Việt Nam chọn Thành dù em còn non trẻ về kinh nghiệm kinh doanh, về hiểu biết trong ngành lương thực, thực phẩm.
Một ngày bình thường như bao ngày khác sau khi nộp đơn xin việc, Thành nhận được điện thoại từ các anh chị C.P. Việt Nam, hỏi em có muốn về công ty làm không. Thành vừa mừng vừa lo, rối rít cả ngày. Ba mẹ em thoạt đầu không ủng hộ. Một phần, ông bà muốn đứa con trai ông bà dồn tâm sức cho ăn học trở thành bác sĩ, có tương lai ổn định. Một phần, nghĩ đến cảnh con phải đi xa, chưa biết công việc thế nào thì không thôi lo lắng. Thành đương nhiên phân vân, bởi trong thâm tâm, cậu vẫn nuôi hy vọng được mặc áo blouse trắng một ngày nào đó.
Đêm nằm trong ngôi nhà xiêu vẹo, trống huơ trống hoác, sau nhiều ngày trằn trọc, Thành quyết định: Đi! Thành nói, đó có lẽ là quyết định đúng đắn nhất với cậu cho đến thời điểm này. C.P. Việt Nam giờ đây không chỉ là một chỗ làm, mà còn là gia đình Thành hết mực yêu thương, quý mến, dù đôi lúc, cậu vẫn còn sự rụt rè. Thành nói, nghe thương vô cùng: “Hồi mới vào công ty, nhà em nghèo quá, đến trang phục cũng tuềnh toàng. Em biết, người ta tuy không nói nhưng ánh mắt họ chằm chằm nhìn mình khiến mình tủi thân lắm! Bây giờ thì em quen rồi. vì em biết, đó chỉ là thiểu số. Vẫn còn rất nhiều anh chị thương em, lo lắng cho em. Như anh Đạo – sếp em nè. Dù nhiều lúc em cũng sợ sợ, không dám gần anh. Em sợ người ta nói mình kiếm cớ cầu cạnh, gần gũi sếp để được cái này cái kia”.
Anh Trương Quang Đạo – Đại sứ nhân ái của C.P. Việt Nam ở khu vực phía Bắc, chính là người tình cờ ghé thăm nhà Thành ở Quảng Bình sau trận lũ 2017 và kiên quyết vận động anh em trong cùng bộ phận mỗi người góp một chút xây tặng Thành căn nhà vững chãi. 40% kinh phí góp từ anh em trong công ty, có người tặng như một món quà để động viên, có người cho mượn không lấy lãi suất để Thành có động lực phấn đấu. 60% còn lại, gia đình gom góp thêm từ bà con, lối xóm. Năm 2018, căn nhà xây xong, ba mẹ Thành rơm rớm nước mắt. Ông bà đi ra đi vào ngắm nghía không thôi, cả một đời khốn khó, ông bà chỉ biết nằm mơ thấy căn nhà khang trang. Ngờ đâu giờ đây nó đã trở thành hiện thực.
Hỏi Thành còn nhớ giấc mơ blouse trắng? cậu cười hiền: “Em nghĩ, nghề nào cũng là nghề, lao động chân tay hay làm việc trí óc cũng được. Chỉ cần mình yêu công việc và sống cho tử tế, nhất định mình sẽ trở thành người giàu có!”. Thành nói cậu muốn gắn bó, muốn cống hiến cho C.P. Việt Nam như nhiều anh chị đang miệt mài ở đây. Cậu làm điều đó không phải vì đã nhận được ơn từ công ty mà chính môi trường và tình người ở đây làm cậu xúc động. Bởi một hạt mầm tốt như cậu cần một mảnh đất tốt như C.P. Việt Nam để lớn lên và phát triển. Để rồi tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp, tiếp tục đi ươm những hạt mầm khác.
Tất nhiên, để có thể gắn bó lâu dài với C.P. Việt Nam, Thành không chỉ có ao ước mà còn cần những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ trong nghề. Là một chàng trai chân chất nhưng thông minh, Thành hiểu được điều này. Cậu tâm sự rằng lúc nào trả dứt được số tiền gia đình còn nợ, cậu sẽ tiếp tục học lên, sâu hơn về chuyên môn. Còn việc giúp đỡ người nghèo khó ư? Ngay cả khi trong túi Thành còn mỗi 50 ngàn cho một ngày dài, cậu vẫn sẵn sàng sẻ một nửa cho người không quen biết gặp khó khăn bên đường. Nhìn cách sống của Thành, chúng ta biết C.P. Việt Nam đã có thêm một hạt mầm xanh tươi từ thế hệ kế thừa.
Nguồn: Hoàng Linh Lan – C.P.VietNam Corporation, nội dung do Ban biên tập Cper.com.vn biên tập và chỉnh sửa
Trả lời