
Từ trong nỗi đau thắp lên ánh sáng
“Anh biết không, 20 ngày qua là khoảng thời gian rất khó khăn với em. Dù biết trước nhưng em vẫn hụt hẫng. Cảm giác trống vắng, buồn tủi luôn hiện về trong giấc ngủ. Anh đi khi em đang ‘làm những việc gì đó rất lớn, và không còn được ở bên cạnh anh”. Sáu năm rồi khi người anh trai thứ sáu của Khởi ra đi vì căn bệnh tim, mỗi lần đọc lại những dòng thư viết cho anh trai, Khởi vẫn không cầm được nước mắt. Như khi ngồi trước mặt tôi, nhắc đến anh, Khởi lặng người. Trong thâm tâm chàng trai ấy, dù biết không phải lỗi do mình, vẫn tự trách bản thân đã không chu toàn trọn vẹn. Khởi đi vận động hiến máu cứu người, anh của Khởi lại ra đi vì bệnh, sự thật đó khiến cậu đau đáu, nhiệt huyết trái tim từ ấy như ngọn lửa có thể thiêu rụi cả khu rừng. Tôi đọc trọn vẹn bức thư Khởi viết, vô cùng cảm động. Những dòng thư làm tôi khó mà quên: Có một điều bí mật nho nhỏ mà giờ em mới nói với anh, ngày đó em làm chương trình mổ tim phần cũng là quyết tâm tạo các mối quan hệ thật nhiều để có thể tìm các phương pháp điều trị phù hợp cho anh. Em nghĩ mình không xấu khi có mục đích riêng tư này. Và cuối năm 2011 em được thông báo, anh chỉ còn ở lại thêm được hai đến ba năm.
Cảm giác bất lực khi nhìn người thân dần dần rời xa không từ ngữ nào diễn tả được. Gần 10 năm vào ra bệnh viện chăm anh, Khởi đã chứng kiến quá nhiều nỗi đau. Cô bé ở Long An với ước mơ làm họa sĩ, ba mẹ nghèo không đủ tiền để mổ tim cho em. Chú Tư ở Hóc Môn, người vừa nói chuyện với hai anh em hôm trước, hôm sau đã nhảy từ lầu năm xuống chỉ để con cái không phải bán hết nhà cửa, đất đai ruộng vườn… Gánh nặng về sự mất mát ám ảnh Khởi, cứ thế cậu mang nó theo, để miệt mài với những hành trình qua vạn nẻo đường.
Phải làm gì đó…
Phải làm gì đó cho những mảnh đời kém may mắn kia
Phải làm gì đó trước khi mọi thứ trở nên quá muộn màng
Trong đầu Khởi, những thôi thúc “phải làm gì đó” cứ như là mệnh lệnh, cũng là sứ mệnh mà Khởi thực hiện trên hành trình tình nguyện của mình.
Yêu thương nối dài sự sống
Gác niềm đau riêng, Khởi lao vào công việc xã hội. Rất nhiều những chặng đường đã đi qua, đáng nhớ nhất là giai đoạn thử thách đầu tiên của ‘‘Hành trình đỏ”. Làm sao để mọi người hiểu giá trị của những giọt máu cho đi? Để mọi người cùng lan tỏa những việc làm thiết thực đến cộng đồng?
“Cũng nhờ yêu thương mà em gặp C.P để nối dài sự sống” – Khởi nói trong cảm xúc đong đầy.
Năm 2013, chỉ sau một năm chiến dịch “Hành trình đỏ”, Khởi có duyên may gặp C.P. C.P khi ấy rất thành công trong việc vận động nhân viên, khách hàng hiến máu cứu người, ông Montri Suwanposri – Tổng Giám đốc C.P Việt Nam chia sẻ: “Vận động cán bộ, nhân viên tham gia hiến máu là trách nhiệm của công ty chúng tôi. Hành trình đỏ là một chương trình ý nghĩa, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm máu dịp hè, cứu sống hàng triệu người bệnh đang cần máu để điều trị. Tôi là người tích cực tham gia hiến máu, ngoài vận động nhân viên tham gia, công ty chúng tôi luôn đồng hành cùng Hành trình đỏ với tinh thần cao nhất.”
Kể từ đó, trên những chuyến “Hành trình đỏ đi khắp các tỉnh thành, là hình bóng ông Wanlop Chiaravanont – Phó Chủ tịch Tập đoàn C.P; là nụ cười ông Montri Suwanposri – Tổng Giám đốc C.P Việt Nam; Bà Lê Nhật Thúy – chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Từ thiện C.P Việt Nam; là hàng trăm bóng áo hồng khác.. Trong “Hành trình đỏ” 2016 ông Wanlop Chiaravanont đã để lại câu nói đầy xúc động: “Tôi phải về Thái Lan và chia tay các bạn nhưng tôi gửi lại trái tim ở đây bên các bạn!”.
Khởi gặp C.P như cá gặp nước, cùng chí hướng, tâm nguyện, cùng mục tiêu lan tỏa sự tử tế, thiện lương đến tất cả mọi người. “Hành trình đỏ” mà họ đi qua, vừa kêu gọi hiến máu cứu người, vừa đi đến nhiều nơi trong cả nước, đến các bản làng vùng sâu vùng xa để tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia).
Thalassemia, căn bệnh này tới tận bây giờ vẫn còn khá xa lạ với nhiều người dân Việt Nam. Ngay cả các bạn trẻ có học thức cũng không có thói quen tìm hiểu về nó. “Hãy làm xét nghiệm trước khi kết hôn để phòng ngừa. Bởi căn bệnh này cho tới giờ vẫn chưa có thuốc chữa trị” là thông điệp mà C.P cũng như “Hành trình đỏ” đang lan tỏa.
Khi “Hành trình đỏ” để lại hàng triệu dấu chân trên khắp 63 tỉnh thành và mang về những giọt máu nghĩa tình, Khởi tiếp tục chọn “Khát vọng sáng”. Khát vọng sáng” là dự án chăm sóc mắt và hỗ trợ người khiếm thị do Kênh Y tế và sức khỏe (do Khởi sáng lập nên) phối hợp cùng Hội đồng Bảo trợ Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Quỹ hỗ từ thiện C.P. Việt Nam thực hiện. Dự án ra đời để hướng dẫn người dân cách chăm sóc và bảo vệ mắt, giúp đỡ người có bệnh lý về mắt và người khiếm thị. Cùng với đó, dự án kêu gọi tinh thần nhân ái, sẻ chia và tuyên truyền về việc hiến ghép giác mạc đến cộng đồng. Buổi họp báo ra mắt “Khát vọng sáng” rất xúc động khi có các bạn khiếm thị tại Mái ấm Nhật Hồng; có chị Thùy Dương, mẹ bé Hải An – cô bé 7 tuổi để lại đôi mắt trao tặng cho người khác trước khi rời cõi tạm; có chị Lê Dương Thể Hạnh cũng là một người kém may mắn vì vô tình bệnh tật đã cướp đi ánh sáng. Khởi nói trong xúc động, rằng muốn cùng C.P lan tỏa đi sự sống trong đôi mắt. Bởi rõ ràng, sự sống không chỉ là những giọt máu nóng, những nhịp thở bình yên, mà sự sống còn toát ra từ đôi mắt- cửa sổ tâm hồn.
Những buổi tập huấn, vào vai người khiếm thị đã để lại ký ức khó quên cho các bạn tình nguyện viên của C.P. Hàng trăm nhân viên của C.P đã đăng ký hiến giác mạc với mong muốn truyền đi thông điệp bảo vệ mắt, mong muốn gửi lại ánh sáng ta những người kém may mắn, “Nếu mai này chúng ta ra đi”. “Khát vọng sáng” cho tới nay vẫn đang trong giai đoạn truyền thông. Tuy nhiên, sự lan tỏa của nó thật sự mang đến một thông điệp rất đẹp, đó là yêu thương nối dài sự sống.
Vạn nẻo đường mang hạnh phúc
Nhẹ nhõm là cảm giác của chàng trai này khi bắt tay cùng C.P làm nên bao điều. Gánh nặng Khởi mang trên vai đã không còn đơn độc nữa. Như chương trình Foodbank Việt Nam mới khởi xướng gần đây, C.P cũng là đơn vị đầu tiên chung tay cùng Khởi. Với mong muốn tưởng như rất nhỏ thôi, đó là không có mảnh đời khó khăn nào phải mang theo bụng đói đi ngủ, Foodbank Việt Nam của Khởi thời gian qua đã làm được hơn thế rất nhiều. Tránh lãng phí thực phẩm, giảm đói nghèo và nâng cao ý thức tiết kiệm…, tổ chức này đã được Foodbank toàn cầu công nhận mang tới những giá trị thiết thực.
Nhìn Khởi, thấy những gì Khởi làm, nhiều người sẽ đặt câu hỏi “Sức đâu mà làm nhiều đến vậy?” và làm thế thì có hiệu quả hay không?”. Khởi chỉ mỉm cười và chứng minh bằng những gì mình thực hiện. Tham vọng của chàng trai ấy rất lớn, đã làm là phải được mục tiêu bằng mọi cách. Foodbank Việt rồi đây phải tổ chức những buổi hội thảo lớn, đưa vào trường học, tác động đến cấp cao hơn của ngành giáo dục. Khởi mong muốn rằng các em học sinh, sinh viên, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, hơn ai hết cần hiểu được “An ninh lương thực” là gì? Sự nguy hại của việc “Lãng phí thực phẩm” ra sao? Có bao nhiêu người nghèo, người già, người cơ nhỡ quanh mình vẫn đang đói khổ. Chính các em sẽ góp phần thay đổi thực trạng này cho Việt Nam và thế giới.
Từ ngày mối duyên lành đưa đẩy để Khởi gặp và kết duyên cùng C.P, suốt 6-7 năm qua, tình cảm ấy ngày càng trở nên bền chặt.
“Đó là vì sự tử tế “
Nhiều lần chàng trai ấy lặp lại câu nói này và nhấn mạnh: “Tôi chưa từng gặp những người lãnh đạo nào ở tập đoàn lớn mà tốt như thế”. Tốt không phải là vì họ mang cái mình có để cho người khác, mà là cách họ cư xử giữa con người với con người. Ông Sooksunt, ông Montri và nhiều lãnh đạo khác của công ty dù bận trăm công nghìn việc vẫn có thời gian để ăn cơm với những nhân viên bảo vệ, lao công. Ngay như Khởi, muốn làm đó mà vẫn không thể làm. Mà với họ, việc làm ấy là tự nhiên chứ không phải cố tình phô trương.
Hơn bảy năm gắn kết với C.P không quá dài nhưng đủ để Khởi thấy được ở C.P những điều trở thành triết lý. “Tốt, tốt lắm”. Khởi kể: “Họ hay nói tốt, tốt lắm. Họ lúc nào cũng động viên nhân viên của mình như thế. Khi nhân viên mắc lỗi họ không chê trách mà tìm điểm tốt để khen. Họ bảo được khen ngợi một người thì người ta sẽ tiến bộ hơn. Còn lỗi của con người rồi ai cũng sẽ tự vượt qua. Hãy cho người ta trưởng thành, tự thay đổi mới bền lâu được. Chứ chỉ bắt lỗi thì chỗ nào cũng có lỗi.”
Nghe Khởi nhắc điều này, tôi nhớ cuộc trò chuyện cùng anh Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc C.P Miền Bắc. Anh cũng từng chia sẻ như thế về sếp của mình, nguyên Tổng Giám đốc Sooksunt Jiumjaiswanglerg. Sếp luôn tạo điều kiện để nhân viên được phát triển. Khi nhân viên làm sai, ông không quở trách mà tìm cách động viên, giúp đỡ để nhân viên tốt hơn.
Những lãnh đạo giỏi luôn biết cách quản trị nhân sự và đem lại hiệu quả khác thường.
Khởi đã đi rất nhiều, làm rất nhiều và quen biết cũng quá nhiều. Chàng lãng tử tự nhận mình cũng những cách chim đại bàng sống cuộc đời lang bạt ” rừng rú”, chưa được huấn luyện nên không ai thuần nổi. Vậy mà khi gặp C.P, đặc biệt là khi thường xuyên tiếp xúc làm việc với những lãnh đạo cấp cao từ tập đoàn đến công ty Việt Nam, Khởi thấy mình cần học hỏi nhiều hơn.
Công ty của Khởi dù đã hoạt động cả chục năm nhưng vẫn làm việc theo kiểu gia đình, teamwork, cứ có việc là xông lên giải quyết chứ không theo trình tự phòng ban nào. Với cách làm việc nề nếp, chỉn chu, khoa học ở C.P, Khởi bắt đầu quan sát và học về kỹ năng quản trị, kỹ năng giải quyết vấn đề. Hơn nữa, ở C.P có một điều mà Khởi chưa thấy ở những tập đoàn lớn khác, đó là cách mà họ trao quyền như một sự chia sẻ. Khi cùng làm một dự án lớn mang tính xã hội, dân sinh, C.P cũng như một ngôi nhà, mỗi thành viên đều bình đẳng, vì vậy khi có bất kỳ vấn đề gì thì cùng nhau giữ nhà. Cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng yêu thương là cách mà công ty tạo nên gắn kết.
“Chiều nay Khởi lại đi nữa” – Khởi cười, khoe chiếc răng khểnh rất duyên của chàng trai miền Tây sông nước. Có bao giờ Khởi ngừng lại những chuyến đi đâu, kể cả khi anh trai buông tay không từ biệt. Khởi nhìn xa xăm, mắt ngân ngấn nhưng cố kìm nén để không khóc. Rồi rất nhanh, với phong cách của dân hoạt động cộng đồng Khởi kéo tôi về với câu chuyện khi nói về ba mẹ.
Ngày trước lúc mới ra trường bắt đầu các chương trình tình nguyện, ba mẹ phản đối ghê lắm thế nhưng lúc ấy Khởi cứ đi để thỏa những đam mê. Sau nhiều năm, làm nhiều việc, cuối cùng hơn ai hết ba mẹ lại hỗ trợ và đồng hành. Năm ngoái, Khởi đưa ba và mẹ đi xuyên việt cùng “Hành trình đỏ”. Mà nhắc tới chuyện đi này Khởi phải cám ơn C.P lắm.
Khởi dừng lại, mở những hình ảnh trên facebook cho tôi coi. Ba mẹ Khởi lúc áo đỏ, khi áo hồng (áo đồng phục của Hành trình đỏ và quỹ hỗ trợ từ thiện C.P), cười rạng rỡ trên những chặng đường đoàn đi qua. “Và đây, anh Montri, anh Chinoros, chị Thùy, anh Khang… lãnh đạo của C.P anh em của C.P đã đón ba mẹ Khởi ở C.P Hải Dương thật nồng ấm. Khởi không bao giờ quên hình ảnh này, anh Montri – Tổng Giám đốc của C.P Việt Nam ôm mẹ Khởi như vậy đó. Anh là người cực kỳ tình cảm. Mà tất cả người của C.P, đặc biệt là người Thái rất trọng chữ hiếu. Vì vậy mà Khởi ăn điểm với C.P đó” Khởi lại cười, Khởi là con trai chưa vợ mà, hay nhõng nhẽo với mẹ, thích đưa mẹ đi đây đi đó, thích khoe mẹ trên Facebook nên các anh quý lắm.”
Ai cũng yêu quý một người đàn ông biết chăm sóc gia đình
Những ngày này, Khởi lại bận rộn biết bao. Đúng hơn là, chàng trai đầy năng lượng ấy lúc nào cũng bận rộn! Nay sài Gòn, chiều tối lại đâu đó Đà Lạt, Đà Nẵng hay Hà Nội với những cuộc họp đôi khi xuyên đêm. Thế mà lúc nào giọng nói, ánh mắt đến nụ cười của Khởi cũng tràn đầy năng lượng. Như những ngày qua, người người lo lắng về đại dịch Covid-19, Khởi luôn thể hiện đúng vai trò của mình và làm tốt: Lan tỏa những thông điệp tích cực. Khởi thành lập trang Fanpage chia sẻ về những thông tin chính xác, cần thiết và hữu ích đến tất cả mọi người.
Mang tới và lan tỏa năng lượng tử tế, tích cực cho đời này chính là ý nghĩa đẹp đẽ mà mỗi con người nên hướng tới.
C.P.Việt Nam
Trả lời