Người C.P

Anh Nguyễn Quang Hòa: Người khởi xướng những ngày chủ nhật hạnh phúc

Ngày đăng: 14/08/2020

Âm thầm lặng lẽ, như những đóa hoa, “Ngày chủ nhật hạnh phúc”, mọi hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng do anh Nguyễn Quang Hòa khởi xướng , cứ vậy tự nhiên tỏa hương bát ngát ra xung quanh. Cách làm của anh Hòa giản dị và dễ thương vô cùng. Có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, cốt ở tấm lòng và cách bày tỏ.

Anh Nguyễn Quang Hòa cùng đại gia đình CPV tham gia các hoạt động thiện nguyện tại chương trình Chung tay đền ơn Tổ Quốc

Sẻ chia từ những điều bình dị
Anh Nguyễn Quang Hòa bắt đầu công việc thiện nguyện rất đỗi tự nhiên và gần gũi như cách mà những người xung quanh chúng ta vẫn hay làm. Khi bắt gặp các hoàn cảnh không may, trái tim anh thôi thúc phải làm điều gì đó để có thể bớt đi nỗi lo, sự mặc cảm của họ, một chút thôi cũng được. Đó có thể là cây bút chì, chiếc bánh nho nhỏ, cuốn vở dành cho đứa bé được sư thầy cưu mang từ Bình Định, học cùng lớp với con gái anh. ít lâu sau, thầy dang tay đón thêm một đứa trẻ từ Gia Lai xuống. Anh về bàn với vợ, mỗi tháng đều đặn góp chục cân gạo cho chùa. Có rau góp rau, dư chút tiền nào thì góp thêm để sư thầy vơi bớt gánh nặng chăm hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn mà vì lý do nào đó, bố mẹ chúng đành dứt ruột từ bỏ khi vừa lọt lòng. Đó có thể là túi sữa, cái bánh, cái kẹo dành cho lũ trẻ khiếm thị ở trung tâm Nhật Hồng mà lần nào đến thăm, anh cũng len lén ra phía sau lau nước mắt. Vậy nên, có điều kiện là anh ghé qua. Không chỉ mang quà, anh còn dành thời gian chăm sóc, chơi đùa với tụi nhỏ, truyền hơi ấm cho chúng.
Mỗi lần ai đó hỏi anh động lực nào tiếp cho anh sức mạnh giúp hết người này đến người kia, kể cả ở thời điểm lòng anh đang rối việc nhà, anh Hòa nói như thể đó là phước báu đời mình: “Mình may mắn lắm mới có cơ hội gặp và giúp những hoàn cảnh khó khăn. Anh luôn biết ơn ông Trời đã cho mình sức khỏe và nghị lực. Anh tin là khi nhận được sự quan tâm của người xung quanh, những mảnh đời đó sẽ có thêm chút niềm vui, để thấy cần được yêu thương mà sống tiếp. Mỗi lần làm được việc gì đó có ý nghĩa, anh càng thấy yêu quý cuộc sống này hơn”.
Chủ nhật nào không ghé thăm bọn trẻ, anh Hòa khuyến khích nhân viên đến chùa làm công quả, dọn dẹp phụ các thầy. Có lần, một nhân viên của anh than trời nắng nóng mà phải làm nhiều việc vất vả, anh liền nhắc: “Làm gì cũng vậy, quan trọng nhất là ở cái tâm của mình. Đã xác định tham gia thiện nguyện, nghĩa là mình đến đây để hỗ trợ. Nếu không thiếu thốn, nếu có thể tự xoay xở được thì người ta đã không cần đến sự giúp đỡ của mình. Do vậy, em phải để tâm mình vui, thoải mái. Còn nếu em thấy nặng nề, xem đó như một nghĩa vụ thì đừng làm. Người ta biết mình giúp mà miễn cưỡng vậy thì họ cũng đâu có vui gì khi nhận”. Nhân viên đó hiện là một trong những cá nhân sát cánh cùng anh trong mọi hoạt động cộng đồng.
Quan niệm “của cho không bằng cách cho” của anh Hòa xuất phát từ trái tim biết sẻ chia của người từng là đứa con út lớn lên trong cảnh nhà khốn khó. Bố mẹ anh ngày đó là giáo viên nhưng đồng lương còm cõi không đủ nuôi sáu miệng ăn. Nhà lại có đứa con mắc bệnh thận, để vượt khó, bố anh ngoài giờ lên lớp thì bán mặt cho đất bán lưng cho trời trồng thêm mấy sào lúa. Thương chồng vất vả, nhìn đám con nheo nhóc, mẹ anh chịu không nổi. Bà lẳng lặng rời nhiệm sở, tảo tần hôm sớm ra chợ bán buôn để chồng giữ nghề. Mãi sau này, anh Hòa mới thấy nỗi buồn trong mắt mẹ, mới hiểu được nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tiếng lũ trẻ bi bô đánh vần của bà. Cuộc sống ngày đó tuy chẳng khá khẩm gì, nhưng hề thấy hàng xóm túng bấn, bố mẹ anh không hề đắn đo, sẵn lòng chia sớt những gì ông bà có được. Bài học yêu thương cứ thế len nhẹ vào tim anh và thấm dần, trở thành món quà quý giá để anh tiếp tục phát huy.
Như mảnh đất tốt đã được ươm mầm, gặp C.P Việt Nam, anh Hòa dễ dàng thích nghi và hòa hợp với tinh thần “Biết yêu thương, biết hy sinh, chia sẻ, biết ơn và đền ơn” vốn là nét văn hóa đặc trưng của công ty. Suốt 16 năm gắn bó, không ít lần anh chứng kiến sự quan tâm dù là nhỏ nhặt của sếp dành cho nhân viên, bất kể đó là cô lao công hay bác bảo vệ. Anh, như nhiều nhân vật chúng tôi trò chuyện trong quyển sách này, đều dành cho C.P Việt Nam và những người lãnh đạo tình cảm trìu mến, ngưỡng mộ một cách chân phương mà sâu sắc. C.P. Việt Nam đã trở thành gia đình thứ hai để họ lan tỏa ngọn lửa ấm đã thắp lên. Và cũng chính gia đình thứ hai đó đã nắm chặt tay họ khi biến cố bất chợt ập xuống.
“Vì con, bố có thể làm tất cả”
Đời sống là những chuỗi ngày mà chúng ta chẳng thể biết trước tương lai sẽ thế nào. Khi yêu đời, ta có thể cho rằng đó là một bí mật thú vị. Nhưng, lúc số mệnh bắt ta phải đi một đoạn đời gieo neo, điều duy nhất ta nghĩ là làm sao có thể đứng vững, làm sao có thể vượt qua được thử thách đó.
Ngày vợ sinh đứa con thứ hai, một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh, anh Hòa mừng vui khôn xiết, tay chân líu quíu chạy ra chạy vô ở bệnh viện, vậy là vợ chồng anh đã có đủ nếp đủ tẻ. Niềm vui chưa tày gang, cả nhà sững người khi bác sĩ bảo cháu bị viêm đường hô hấp. Nhìn đứa con nhỏ bé, mong manh ngằn ngặt khóc, ruột gan anh như đứt ra từng mảnh. Anh ước gì ông Trời có thể để anh gánh thay cho con. Tình thương con đã tiếp thêm cho anh sức mạnh, vì con, anh có thể làm tất cả.
Những tháng ngày ròng rã ở viện bắt đầu. Hết Bệnh viện Nhi Đồng Nai lên đến Bệnh viện Nhi Sài Gòn, ở đâu có bác sĩ hay, anh cũng xin tìm gặp. Ngày con tròn ba tuổi, sức khỏe khá hơn, vợ chồng anh giật mình, thời gian qua ở viện nhiều hơn ở nhà. Có những ngày bệnh con chuyển xấu, vợ anh như lịm đi bên hành lang bệnh viện. Anh lẳng lặng siết tay chị, để chị an tâm tựa vào vai mình mà khóc, có lẽ chị biết, cũng có lẽ không, rất nhiều lần trên chuyến xe từ nhà đến viện, từ viện về nhà, anh ngồi thõng thượt. Lúc đấy mới dám thả lỏng để khóc. Bởi anh là chỗ dựa duy nhất của mấy mẹ con, nếu thấy anh khóc, chị chắc sẽ gục ngã.
Trong những tháng ngày đó, nếu không có sự động viên và cảm thông từ lãnh đạo C.P. Việt Nam, đặc biệt là từ người sếp trực tiếp, có lẽ anh Hòa đã không thể trụ được với công việc đến hôm nay. Anh đã được tạo điều kiện để có khung giờ đi làm phù hợp với việc chăm sóc con mình, có những ngày anh vào công ty thật trễ, bắt đầu một ngày làm việc khi đã tất tả việc chăm nom con từ bệnh viện. Cũng lại có hôm, anh kết thúc ngày làm việc thật sớm, khi các đồng nghiệp vẫn còn hăng say công việc, để lại thêm một ngày bươn chải duy trì niềm hy vọng chăm con qua cơn bệnh nặng. Những ngày ấy, công việc của anh luôn được hỗ trợ và san sẻ từ những đồng nghiệp của mình. Họ thay thế, hoặc tiếp nối những công việc còn chưa hoàn thành của anh, để giúp anh vững tâm trong cuộc chiến chống lại bệnh tật của con mình.
Anh xúc động, đâu có công ty nào thương nhân viên, thông cảm và sẻ chia với hoàn cảnh gia đình của nhân viên như vậy. Không chỉ vậy công ty còn tạo điều kiện để nhân viên bổ trợ thêm kiến thức cho công việc. Các lãnh đạo luôn quan tâm sâu sắc đến từng hoàn cảnh của nhân viên xung quanh. Chính bởi thế nên, anh luôn tự nhắc bản thân tận tâm tận tắc lực với công việc. Ngày nào con đi viện mà vợ có thể tự chăm sóc, anh lại miệt mài với công việc. Hôm nào phải đưa con vào viện, anh dậy sớm hơn hoặc nán lại ra muộn hơn mọi ngày giải quyết hết hồ sơ, giấy tờ có liên quan. Những chuyến thiện nguyện, những hoạt động cộng đồng do công ty tổ chức, anh cũng chưa bao giờ tìm cách thoái thác. Đó không phải là sự đáp đền theo kiểu nghĩa vụ mà là sự vui vẻ khi được đồng hành, là niềm tự hào của một cá nhân bước ra từ một tập thể chung sức, chung lòng.
Yêu chồng thương con, cũng như mẹ anh trước kia, vợ anh Hòa rời trường mẫu giáo để trọn vẹn tâm trí lo cho gia đình. Anh rưng rưng bày tỏ: “Vợ anh đã hy sinh cho các con, đã sẻ chia cùng anh trong những công việc cộng đồng mang lại niềm vui. Anh biết ơn vợ mình rất nhiều”, và cũng vì thương nỗi buồn trong mắt vợ nên khi sức khỏe của con ngày một khá hơn, anh động viên vợ trở lại trường lớp. Chị cứ dùng dằng chưa quyết. Anh nói: “Em quyết thế nào cũng được, chỉ cần em thấy vui”.
Nhiều người thắc mắc, với vị trí Trợ lý Phó tổng Giám đốc, với thâm niên làm việc tại C.P. Việt Nam, sao mãi vẫn thấy anh ở nhà thuê. Trong khi ở tuổi này, bạn bè đồng lứa với anh đều đã có một mái nhà riêng rộng rãi. Anh cười nhẹ tênh, có gì đâu mà buồn, mà lo. Trời cho mình bao nhiêu thì cứ túc tắc bây nhiêu mà sống, chỉ cần đừng để bản thân tụt hậu, đừng để mình phụ thuộc vào người khác. Mong mỏi lớn nhất của anh là được thấy nụ cười trên môi vợ, được thấy hai con khỏe mạnh cắp sách đến trường, bình an lớn lên. Giấc mơ ngôi nhà nhỏ cùng một khu vườn hoa trái bao quanh như món quà anh dành tặng riêng cho chị, cũng sắp rồi!
Giản đơn và chân thành trong suy nghĩ lẫn hành động, với anh Hòa, những gì đã trải qua trong cuộc đời, lại càng tạo nên cho người đàn ông này thêm nhiều nhiệt huyết cho việc làm thiện nguyện. Người ta vẫn cứ hoài mong những ngày cuối tuần hạnh phúc bên gia đình, bên bạn bè, bên những chuyến du lịch, hoặc những cuộc vui rôm rả món ngon của lạ. Thế nhưng, đâu đó trong cuộc đời này, giữa hàng vạn khái niệm về hạnh phúc, vẫn có những người như anh Hòa, chọn hạnh phúc đời mình là sự sẻ chia. Dù ít dù nhiều, nhưng tin chắc rằng, đó là một thứ hạnh phúc an lành nhất của cuộc đời.
Theo Hoàng Linh Lan
Ban Biên Tập Cper.com.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Từ khóa liên quan: ,